Hiện nay, có nhiều ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp yêu cầu tính bảo mật cao. Việc tiết lộ các thông tin bảo mật của doanh nghiệp có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp coi trọng điều khoản bảo mật thông tin khi ký kết Hợp đồng. Một số doanh nghiệp còn yêu cầu khách hàng, đối tác ký Thỏa thuận bảo mật thông tin bên cạnh việc ký kết Hợp đồng. Vậy điều khoản bảo mật thông tin bao gồm những nội dung gì? Các doanh nghiệp cần chú ý gì khi ký kết một Hợp đồng có điều khoản bảo mật thông tin hoặc Thỏa thuận bảo mật thông tin? Bài viết này sẽ giải đáp những vấn đề pháp lý trên.
1. Điều khoản bảo mật thông tin thường bao gồm những nội dung gì?
Thông thường, điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng hoặc Thỏa thuận bảo mật thông tin đều bao gồm những nội dung cơ bản sau:
- Đối tượng, các thông tin cần bảo mật: Tùy theo ngành nghề kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, đối tượng, thông tin cần bảo mật có thể khác nhau. Tuy nhiên, các đối tượng, thông tin cần bảo mật chủ yếu bao gồm bí mật kinh doanh, kết quả kinh doanh; các hợp đồng, thỏa thuận; danh sách, thông tin khách hàng của doanh nghiệp; các mẫu mã, thiết kế, sản phẩm thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp; và các thông tin khác trong quá trình kinh doanh.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo mật thông tin: Khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng, khách hàng, đối tác có thể tiếp cận được một số thông tin có tính chất bảo mật của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần quy định rõ về phạm vi tiếp cận, sử dụng, định đoạt các thông tin mà khách hàng, đối tác biết được trong quá trình thực hiện Hợp đồng, thỏa thuận với doanh nghiệp.
- Trách nhiệm của bên vi phạm điều khoản bảo mật thông tin: Doanh nghiệp có thể đã cẩn thận quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng, tuy nhiên rủi ro thông tin bị rò rỉ, tiết lộ vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của bên bi phạm ví dụ như bồi thường thiệt hại khi tiết lộ thông tin cho bất kỳ bên thứ ba nào là cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và nâng cao ý thức bảo mật thông tin của khách hàng, đối tác.
- Loại trừ trách nhiệm bảo mật thông tin: Trong đa số trường hợp, bên tiếp nhận thông tin phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin của doanh nghiệp sở hữu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do luật quy định hoặc theo thỏa thuận, bên tiếp nhận thông tin sẽ được loại trừ trách nhiệm và không phải bồi thường thiệt hại nếu thông tin bị tiết lộ cho bên thứ ba.
2. Các doanh nghiệp cần chú ý gì khi ký kết Hợp đồng có điều khoản bảo mật thông tin?
Khi ký kết Hợp đồng có điều khoản bảo mật thông tin hoặc Thỏa thuận bảo mật thông tin, các doanh nghiệp cần chú ý một số vấn đề sau trước khi ký:
- Giải thích rõ về đối tượng, thông tin cần bảo mật: Việc liệt kê các đối tượng, thông tin cần bảo mật là không đủ bởi một số đối tượng như bí mật kinh doanh, kết quả kinh doanh không rõ ràng và có thể được hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp nên định nghĩa, giải thích rõ bí mật kinh doanh hoặc kết quả kinh doanh thuộc phạm vi được bảo mật trong Hợp đồng bao gồm những gì (ví dụ: báo cáo tài chính của công ty, báo cáo thu chi và phân bổ tài sản, lợi nhuận của công ty, …)
Bằng cách này, các bên có thể dễ dàng khoanh vùng những đối tượng, thông tin phải bảo mật và xác định trách nhiệm của bên tiếp nhận thông tin nếu tiết lộ thông tin bí mật.
- Xác định mức bồi thường thiệt hại khi thông tin bị tiết lộ: Trong nhiều trường hợp, các bên thường quy định mức bồi thường thiệt hại khi thông tin bí mật bị tiết lộ là bồi thường theo thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại thực tế đối với các thông tin là rất khó. Vì vậy, các bên nên thỏa thuận một mức bồi thường thiệt hại cụ thể sau khi cân nhắc rủi ro và giá trị của Hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp là chủ sở hữu của thông tin, doanh nghiệp có thể quy định mức bồi thường thiệt hại gần với mức thiệt hại mà doanh nghiệp ước tính, cân nhắc.
Trong trường hợp doanh nghiệp là bên tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng cách quy định mức bồi thường thiệt hại tối đa không vượt quá giá trị của Hợp đồng hoặc một mức bồi thường khác.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý về điều khoản bảo mật thông tin trong Hợp đồng. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc trước khi ký kết Hợp đồng, Thỏa thuận bảo mật thông tin.
Trân trọng.
Có thể bạn chưa đọc Điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng
Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và Thu hồi nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com