Trong hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp thường gặp phải tình trạng các đối tác không thanh toán đúng hạn dẫn đến nợ xấu. Các khoản nợ khó đòi ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp, đó có thể là tiền từ đối tác mua hàng nhưng không thanh toán, hoặc tiền thực hiện giá trị hợp đồng. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp của các công ty luật. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những công việc các công ty luật thường sử dụng trong quá trình thu hồi nợ.
1. Thương lượng, đàm phán
Là công việc đầu tiên các công ty luật sử dụng khi tiến hành dịch vụ thu hồi nợ, khi đó công ty luật sẽ đưa ra ý kiến đề nghị bên nợ thanh toán trên tinh thần tôn trọng và thiện chí. Trong công việc này, công ty luật sẽ nghiên cứu, chuẩn bị toàn bộ tài liệu về khoản nợ và các quy định của pháp luật để buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp bên nợ hợp tác thanh toán, công ty luật sẽ đề nghị bên nợ ký kết các biên bản đối chiếu, xác nhận công nợ và đưa ra lộ trình thanh toán cụ thể để ràng buộc nghĩa vụ trả nợ của bên nợ.
Trường hợp bên nợ không hợp tác trong quá trình thương lượng, công ty luật sẽ chuyển sang các hình thức thu hồi nợ tiếp theo là gửi các công văn đề nghị với nội dung quyết liệt hơn.
2. Gửi công văn đề nghị thanh toán
Đây sẽ là công việc tiếp theo trong dịch vụ thu hồi nợ của công ty luật nếu không thể trực tiếp thương lượng hoặc bên nợ không hợp tác trong quá trình thương lượng. Theo đó công ty luật sẽ tiến hành việc gửi các công văn đề nghị thanh toán. Nội dung của các công văn này thường bao gồm:
– Nội dung chi tiết về khoản nợ và số tiền bên nợ phải thanh toán
– Thời hạn bên nợ phải thực hiện thanh toán, hoặc phản hồi về việc thanh toán
– Các biện pháp pháp lý công ty luật sẽ áp dụng nếu bên nợ không hợp tác thanh toán đúng thời hạn
Các công văn này sẽ được chuyển qua email hoặc gửi bản cứng đến địa chỉ trụ sở của bên nợ (tuỳ thuộc vào các thông tin công ty thu thập được về bên nợ). Sau khi bên nợ nhận được công văn này, công ty luật sẽ theo dõi quá trình thanh toán của bên nợ. Trường hợp bên nợ nhiều lần không thanh toán hoặc không phản hồi công văn đề nghị thanh toán, công ty luật sẽ đề nghị khách hàng tiến hành các công việc tiếp theo.
3. Làm việc với cơ quan thuế có thẩm quyền
Trong trường hợp xác định được bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký, công ty luật tiến hành dịch vụ thu hồi nợ sẽ triển khai làm việc với cơ quan thuế có thẩm quyền để đề nghị kiểm tra địa chỉ trụ sở của bên nợ. Trường hợp bên nợ vẫn hoạt động nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì công ty luật sẽ đề nghị cơ quan thuế ra thông báo để chấm dứt mã số thuế của bên nợ nhằm mục đích thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Việc bị chấm dứt mã số thuế và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của bên nợ và khiến họ phải xem xét việc đưa ra các phương án thanh toán. Thông thường, việc làm việc với cơ quan thuế sẽ được công ty luật thông báo trước cho bên nợ tại giai đoạn gửi công văn đề nghị thanh toán. Trong trường hợp bên nợ không có thái độ hợp tác thanh toán, công ty luật sẽ trực tiếp làm việc với cơ quan thuế để gia tăng áp lực buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ.
4. Khởi kiện tại Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Toà án
Trong các công việc tại dịch vụ thu hồi nợ, việc khởi kiện sẽ là giai đoạn tác động mạnh mẽ nhất và chỉ được thực hiện nếu các công việc trên đã được triển khai nhưng không đem lại kết quả. Khi đó công ty luật sẽ đề xuất tiến hành công việc cuối cùng là khởi kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp gồm Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Toà án. Theo đó, tại giai đoạn này công ty luật sẽ đề nghị doanh nghiệp nộp đơn khởi kiện để đề nghị Toà án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại thụ lý giải quyết dựa trên các chứng cứ, tài liệu của vụ việc. Việc lựa chọn cơ quan giải quyết phụ thuộc vào nội dung của Hợp đồng giữa các bên.
Tại giai đoạn này, bên nợ sẽ được Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Toà án triệu tập để tham gia các thủ tục tố tụng. Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, Trung tâm trọng tài thương mại hoặc Toà án sẽ ban hành Bản án hoặc Phán Quyết có giá trị pháp lý. Sau khi Bản án hoặc Phán Quyết có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị để thi hành án. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để buộc bên nợ phải thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết của TNTP về các công việc công ty luật sẽ thực hiện để thu hồi nợ, mong bài viết này sẽ có ích với các doanh nghiệp.
Trân trọng,