Có vay ắt phải trả, đây là một nguyên tắc cơ bản trong mọi hoạt động của xã hội và trong hoạt động kinh doanh. Nhưng vì nhiều lý do dẫn đến việc bên nợ có thể không trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn, khi đó chủ nợ có thể xem xét về việc khởi kiện bên nợ tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, một số trường hợp bên nợ có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ cho chủ nợ có thể bị xử lý hình sự. Hãy tìm hiểu cùng TNTP về vấn đề này.

1. Thế nào là hành vi cố tình không trả nợ

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, bên vay có nghĩa vụ phải trả nợ đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật đúng số lượng, chất lượng. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng giá tri tiền tương đương đã vay nếu được bên vay đồng ý. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ là bắt buộc đối với bên vay.

Trường hợp cố tình không trả nợ là khi bên vay có đủ giá trị tiền hoặc tài sản để trả cho chủ nợ nhưng vẫn không tiến hành thanh toán nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm thanh toán khoản nợ.

Như vậy, bên vay đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với bên nợ, và hành vi của bên vay tùy trường hợp có thể dẫn đến cấu thành các tội hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự

2. Hành vi cố tình không trả nợ có thể bị xử lý hình sự

Nhiều người lầm tưởng về hành vi không trả nợ đúng hạn sẽ chỉ bị điều chỉnh bởi quan hệ dân sự. Tuy nhiên, việc bên vay có đủ điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả nợ có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp người vay đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ đủ cấu thành tội phạm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài việc đủ điều kiện trả nợ nhưng không trả nợ, nếu bên nợ còn có hành vi bỏ trốn, hoặc cố tình tiêu hủy các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay tiền/tài sản nhằm mục đích không phải thanh toán khoản nợ thì có thể bị coi là sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

3. Hình thức xử phạt

Tùy vào từng mức độ phạm tội, số tiền vay không trả mà bên nợ có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp xử phạt như phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm, hoặc thậm chí có thể lên đến 5 năm đến 12 năm hoặc thậm chí 20 năm với khung hình phạt cao nhất.

Ngoài hình phạt chính, bên nợ có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong thời kỳ kinh tế nhiều khó khăn hiện nay, việc bên nợ không trả nợ đúng hạn là điều thường gặp, tuy nhiên nếu chủ nợ xác định được bên nợ có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả đủ điều kiện để cấu thành hành vi vi phạm pháp luật thì khi đó các chủ nợ hoàn toàn có thể xem xét về việc tố giác tội phạm đối với các đối tượng này.

Trên đây là bài viết của TNTP về việc bên nợ cố tình không trả nợ cho chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mong bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,