Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là chế tài thường được áp dụng trong thương mại được quy định tại Luật thương mại năm 2005 (“LTM”). Để áp dụng chế tài này phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng, các bên cần hiểu rõ các quy định pháp luật về chế tài này. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những nội dung mà các bên cần tìm hiểu liên quan đến chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

1. Khái niệm tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Theo nghĩa thông thường, tạm ngừng thực hiện được hiểu là tạm thời không thực hiện một việc gì đó và có thể sẽ thực hiện việc đó ở thời điểm muộn hơn.

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng được hiểu là đến thời hạn thực hiện hợp đồng, bên có nghĩa vụ tạm thời không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và nếu có tiếp tục thực hiện thì sẽ thực hiện ở thời điểm muộn hơn. Trường hợp bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng đúng theo quy định pháp luật và theo thỏa thuận của các bên thì bên không thực hiện đúng hợp đồng không phải chịu các chế tài. Ví dụ: A và B ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, theo đó A là bên bán, B là bên mua. Các bên thỏa thuận rằng B sẽ tạm ứng cho A một khoản tiền trước 03 ngày trước ngày A giao hàng, tuy nhiên do B không thực hiện việc tạm ứng đúng thời hạn cho A nên A không giao hàng cho B. Việc không giao hàng của A được hiểu là A đang áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

2. Các trường hợp tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Theo quy định của LTM, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại LTM, một trong các bên được quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

• Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

• Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Có thể thấy, LTM chỉ quy định chung về các trường hợp được tạm ngừng thực hiện hợp đồng nên việc áp dụng chế tài này trên thực tế gặp nhiều khó khăn do các bên bất đồng quan điểm. Do vậy, để hạn chế rủi ro và tranh chấp khi áp dụng chế tài này, các bên nên quy định cụ thể trong hợp đồng thương mại những nội dung sau:

• Liệt kê cụ thể các trường hợp mà mỗi bên được tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

• Nghĩa vụ thông báo khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

• Thời gian tối đa được tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

• Hậu quả pháp lý sau khi hết thời gian tạm ngừng thực hiện hợp đồng: đình chỉ, huỷ bỏ hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng;…

3. Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Theo quy định của LTM, hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng như sau:

• Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

• Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của LTM.

Như vậy, khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực và vẫn còn có giá trị pháp lí ràng buộc đối với các bên bởi trong trường hợp này, việc thực hiện hợp đồng chỉ tạm thời bị gián đoạn, nếu bên vi phạm đã khắc phục và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì hợp đồng có thể được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Trên đây là bài viết “Chế tài trong thương mại: Tạm ngừng thực hiện hợp đồng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,