Trong quá trình thực hiện các hợp đồng thương mại, một hoặc các bên có thể thực hiện các hành vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như để phòng ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng, các bên nên quy định các chế tài mà bên vi phạm hợp đồng phải chịu. Ngoài ra, việc quy định cụ thể về các chế tài sẽ là căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm, bù đắp chi phí, tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung mà các bên cần biết về các loại chế tài do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại.

1. Khái niệm chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại

Chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là hình thức chế tài áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, theo đó bên thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng thương mại sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi đối với hành vi vi phạm của mình.

2. Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại

Thứ nhất, hành vi vi phạm hợp đồng.

Hành vi vi phạm hợp đồng bao gồm hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng và theo quy định pháp luật. Khi xem xét một hành vi có vi phạm hợp đồng thương mại hay không, các bên cần phải căn cứ vào hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan.

Thứ hai, lỗi của các bên.

Lỗi của bên vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc đối với tất cả các chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại. Theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành, mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều bị suy đoán là có lỗi (trừ trường hợp bên vi phạm chứng minh được là mình không có lỗi), do vậy, khi áp dụng chế tài với bên vi phạm, bên bị vi phạm cũng như cơ quan tài phán không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên vi phạm.

Thứ ba, các căn cứ khác.

• Có sự thỏa thuận của các bên. Đây là căn cứ áp dụng bắt buộc đối với chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận về các trường hợp vi phạm hợp đồng được coi là điều kiện để các bên được áp dụng các chế tài như tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng,…

• Có thiệt hại thực tế xảy ra. Đây là căn cứ áp dụng bắt buộc đối với chế tài buộc bồi thường thiệt hại.

• Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Đây là căn cứ áp dụng bắt buộc đối với chế tài buộc bồi thường thiệt hại.

3. Các hình thức chế tài xử lý vi phạm hợp đồng thương mại

Căn cứ Điều 292 Luật Thương mại 2005 (“LTM”), các loại chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại bao gồm:

• Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
• Phạt vi phạm.
• Buộc bồi thường thiệt hại.
• Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
• Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
• Huỷ bỏ hợp đồng.
• Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Lưu ý: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

4. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại được hiểu là việc một hoặc các bên trong hợp đồng thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Căn cứ Khoản 1 Điều 294 LTM, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

• Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

• Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

• Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

• Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

5. Nghĩa vụ thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm

• Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

• Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

• Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

Trên đây là bài viết “Chế tài do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,