Bộ luật Dân sự 2015 quy định cầm giữ tài sản là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cầm giữ tài sản là một cơ chế pháp lý để bảo vệ bên có quyền được thanh toán trong các hợp đồng mà hai bên đều có nghĩa vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp cầm giữ tài sản.

1. Khái niệm cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên có nghĩa vụ đối với nhau.

2. Hiệu lực của cầm giữ tài sản

• Thời điểm phát sinh hiệu lực ràng buộc giữa các bên trong quan hệ cầm giữ là thời điểm một bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ mà đối tượng của hợp đồng là tài sản của bên vi phạm nghĩa vụ.

• Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng: Khoản 2 Điều 347 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rằng cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Theo quy định này, thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của người cầm giữ được xác định theo thực tế chiếm giữ tài sản mà hoàn toàn không phụ thuộc vào việc đăng ký biện pháp cầm giữ. Tuy nhiên, thực tế chiếm giữ tài sản cũng bắt đầu từ thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ nên hiệu lực ràng buộc giữa các bên và hiệu lực đối kháng phát sinh vào cùng một thời điểm.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên cầm giữ tài sản

Bên cầm giữ tài sản có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.

• Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.

• Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

• Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.

• Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.

• Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

• Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.

• Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

4. Thực hiện quyền cầm giữ

• Bên cầm giữ chỉ được cầm giữ tài sản hoặc phần tài sản liên quan trực tiếp đến phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trường hợp đối tượng của phần nghĩa vụ bị vi phạm bao gồm nhiều tài sản thì bên cầm giữ có quyền lựa chọn tài sản để cầm giữ.

• Đối tượng của nghĩa vụ bị vi phạm là công việc để tạo ra sản phẩm thì bên cầm giữ chiếm giữ sản phẩm được tạo ra hoặc nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm. Trường hợp đối tượng của nghĩa vụ bị vi phạm là công việc không tạo ra sản phẩm thì bên cầm giữ chiếm giữ công cụ, phương tiện được bên có nghĩa vụ giao để thực hiện công việc.

• Tài sản cầm giữ phát sinh hoa lợi không phải là kết quả của việc khai thác tài sản cầm giữ thì bên cầm giữ phải giao lại hoa lợi này cho bên có nghĩa vụ. Trường hợp bên cầm giữ đang quản lý hoa lợi mà đối tượng của nghĩa vụ đã được giao cho bên có nghĩa vụ trước thời điểm người này vi phạm nghĩa vụ thì bên cầm giữ chiếm giữ hoa lợi cho đến khi nghĩa vụ đối với bên cầm giữ đã được hoàn thành.

5. Chấm dứt cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

(i) Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.

(ii) Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.

(iii) Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.

(iv) Tài sản cầm giữ không còn.

(v) Theo thỏa thuận của các bên.

6. Bảo đảm quyền cầm giữ

• Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan yêu cầu bên cầm giữ giao tài sản cầm giữ để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật thì việc giao tài sản cầm giữ trong trường hợp này không phải là căn cứ chấm dứt cầm giữ.

• Trường hợp chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền khác đưa tài sản đang bị cầm giữ vào giao dịch dân sự thì bên cầm giữ không có nghĩa vụ giao tài sản cho bên tham gia giao dịch dân sự đó, trừ trường hợp:

(i) Nghĩa vụ đối với bên cầm giữ đã được hoàn thành;

(ii) Nghĩa vụ đối với bên cầm giữ chưa được hoàn thành nhưng thuộc trường hợp cầm giữ tài sản chấm dứt quy định tại các trường hợp (i), (ii) hoặc (v) được nêu tại Phần 5 của bài viết này.

Trên đây là bài viết “Cầm giữ tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,