Hiện nay, quy định của pháp luật chưa có các quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý doanh nghiệp bỏ trốn. Thực tế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, đặc biệt khi vẫn còn nợ thuế, nợ lương lao động, nợ các doanh nghiệp khác, đã và đang diễn ra khá phổ biến. Tại bài viết sau, bằng kinh nghiệm làm việc của mình, luật sư của TNTP sẽ đưa ra ý kiến về cách thức thu hồi nợ đối với “doanh nghiệp bỏ trốn”.

1. Quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi doanh nghiệp bỏ trốn

Hiện tại, chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế là đề cập đến khía cạnh doanh nghiệp bỏ trốn như sau: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Do đó có thể thấy quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về “Doanh nghiệp bỏ trốn”. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chủ doanh nghiệp bỏ trốn, từ khái niệm đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, cách giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, cũng như việc trả các khoản nợ liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, nợ tổ chức, cá nhân khác.

2. Thu hồi nợ doanh nghiệp bằng phương thức khởi kiện

Khi thực hiện việc thu hồi khoản nợ từ doanh nghiệp bỏ trốn việc liên hệ để thương lượng đàm phán nhằm thanh toán nợ thường khó khăn. Do đó, độc giả có thể xem xét khả năng nộp đơn khởi kiện thu hồi nợ tại các cơ quan có thẩm quyền, như Trung tâm Trọng tài hoặc Tòa án. Quá trình này phụ thuộc vào sự lựa chọn trong hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên, trường hợp các bên không có thỏa thuận Trọng tài thì Tòa án sẽ là nơi tiến giải quyết tranh chấp.

Độc giả cần xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với trường hợp không biết nơi cư trú hoặc làm việc của doanh nghiệp, độc giả có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có tài sản lần cuối cùng.

Trong những trường hợp bên nợ không có sự hợp tác hoặc bỏ trốn, phương án khởi kiện để thu hồi nợ sẽ hiệu quả khi có thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng thành công cao hơn thì độc giả có thể xem xét sử dụng dịch vụ hỗ trợ thu hồi nợ từ Công ty Luật hoặc luật sư chuyên nghiệp để đảm bảo tối đa quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình

Sau khi bản án tại Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị thi hành án không có mặt ở ơ cư trú, lẩn trốn thì độc giả có thể nộp đơn đề nghị thi hành án tới cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Khi đó Cơ quan này sẽ tiến hành các biện pháp đảm bảo thi hành án cần thiết như cưỡng chế, kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án.

3. Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Trong trường hợp hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó. Bản chất của việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp còn nợ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ yêu cầu thủ tục phá sản để quyết định việc thanh lý tài sản của bên nợ nếu bên nợ không còn khả năng thanh toán khoản nợ. Khi đó, chủ nợ sẽ được ưu tiên thanh toán giá trị các phẩn tài sản được thanh lý của bên nợ.

Thủ tục phá sản có sự tham gia của tổ quản lý-thanh lý tài sản và Tòa án. Tuy nhiên khác với tranh chấp dân sự tại Tòa án khi chỉ có các bên liên quan là chủ nợ và bên nợ. Thủ tục phá sản đây là thủ tục trả nợ tập thể tài sản thanh lý được trả cho các chủ nợ theo thứ tự sau:

• Trong trường hợp Thẩm phán tuyên bố phá sản, việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ tuân theo thứ tự sau:

i)Chi phí phá sản.
ii) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa thuận lao động tập thể.
iii) Các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh.
iv) Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ và các khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản có bảo đảm không đủ thanh toán số nợ.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán, mỗi đối tượng có thứ tự ưu tiên sẽ được thanh toán tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Trên đây là bài viết về chủ đề “Cách thức thu hồi nợ đối với doanh nghiệp bỏ trốn” của TNTP, mong rằng bài viết này sẽ có ích với các độc giả.

Trân trọng,