Trong hoạt động của các doanh nghiệp, việc phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp là không thể tránh khỏi, tiêu biểu và phổ biến nhất là tranh chấp về các khoản nợ giữa các doanh nghiệp. Trong đó, tranh chấp đối với khoản nợ có yếu tố nước ngoài là một tranh chấp đặc thù và có tính chất phức tạp do khoảng cách địa lý và sự khác biệt về pháp luật của các quốc gia, đơn cử như khoản nợ của bên nợ có quốc tịch Hoa Kỳ. Quá trình thu hồi nợ tại nước ngoài nói chung và tại Hoa Kỳ về cơ bản có rất nhiều khó khăn trong so sánh với quá trình thu hồi nợ trong nước. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những lưu ý khi doanh nghiệp muốn thực hiện việc thu hồi nợ tại Hoa Kỳ.

1.Các phương thức thu hồi nợ tại Hoa Kỳ

Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ cũng cho phép các hoạt động thu hồi nợ được tiến hành trên lãnh thổ nước này, bao gồm các công việc cụ thể như:

– Liên hệ trực tiếp với bên nợ,

– Uỷ quyền cho bên thứ ba để thu hồi nợ, và/hoặc

– Khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền, hoặc Trọng tài Thương mại nếu các bên không thể tự thoả thuận về việc giải quyết các khoản nợ.

2. Luật Liên Bang và Luật Tiểu Bang

Có một khác biệt lớn giữa pháp luật Hoa Kỳ so với Pháp luật Việt Nam là pháp luật Hoa Kỳ cho phép mỗi tiểu bang có một hệ thống pháp luật riêng gọi là Luật Tiểu bang. Ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Luật Liên bang cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ, các chính quyền tiểu bang của Hoa Kỳ cũng có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp giống một quốc gia riêng. Do đó, rất nhiều Tiểu bang có quy định khác nhau đối với hoạt động thu hồi nợ giữa các doanh nghiệp, điều này khiến các doanh nghiệp muốn tiến hành việc thu hồi nợ tại một bang bất kỳ phải nghiên cứu kỹ các quy định tại bang đó, vì có thể một hoạt động thu hồi nợ hợp pháp tại một bang lại có thể bị hạn chế tại một bang khác.

Như vậy, trước khi thực hiện các phương thức thu hồi nợ, chủ nợ lưu ý cần xác định chính xác pháp luật áp dụng đối với bên nợ nhằm tránh những rủi ro pháp lý không đáng có và tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình thu hồi nợ.

3. Luật thực hành đòi nợ công bằng – FDCPA (Fair Debt Collection Practices Act)

Luật thực hành đòi nợ công bằng – FDCPA (Fair Debt Collection Practices Act) là một đạo luật liên bang, quy định và định hướng cách ứng xử đúng đắn trong quá trình thu hồi nợ của chủ nợ đối với bên nợ tại Hoa Kỳ. FDCPA được ban hành lần đầu tiên vào ngày 20/9/1977 và sửa đổi bổ sung lần gần nhất vào năm 2017, theo đó có nhiều quy định nhằm hạn chế các hoạt động của những bên thứ ba – được uỷ quyền hoặc thay mặt một cá nhân hay tổ chức để tiến hành thu hồi nợ đối với bên nợ.

Theo quy định của FDCPA, các hình thức thu hồi nợ phổ biến tại Việt Nam như liên hệ qua điện thoại và gửi các công văn yêu cầu thanh toán đều có thể là hành vi phạm pháp tại Hoa Kỳ nếu không đảm bảo các điều kiện ràng buộc đối với từng hành vi đó. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải kiểm tra kỹ quy định của FDCDA và lưu ý xem xét liệu doanh nghiệp của mình, hoặc bên thứ ba được ủy quyền để thu hồi nợ có thể đáp ứng điều kiện thu hồi nợ hay không trước khi thực hiện các biện pháp thu hồi nợ.

Có thể thấy dưới sự điều chỉnh của FDCPA, quá trình thu hồi nợ tại Hoa Kỳ có khá nhiều trở ngại và đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, đúng đắn về pháp luật Hoa Kỳ và sự phân chia trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Tại những bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về những lợi ích và bất cập của FDCPA, cũng như giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn để tiến hành việc thu hồi nợ tại Hoa Kỳ một cách hiệu quả.

Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP về những lưu ý khi thực hiện thu hồi nợ tại Hoa Kỳ. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ đối với bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm kiến thức pháp lý hữu ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com