Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù khác nhau về mục tiêu và ngành nghề nhưng hầu như luôn có chung mục đích là tìm kiếm lợi nhuận để sinh lời. Một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị thâm hụt và giảm thiểu lợi nhuận là việc bị phát sinh các khoản nợ xấu Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra kinh nghiệm để doanh nghiệp phòng tránh phát sinh công nợ trong tương lai.

1. Phân loại và quản lý các khoản nợ tiềm tàng

Một trong những điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần lưu ý để tránh phát sinh công nợ trong tương lai là phải có sự đánh giá, phân loại và quản lý các khoản nợ tiềm tàng đã và sẽ phát sinh từ các đối tác. Việc phân loại có thể dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng cơ bản và quan trọng nhất là Thời gian phát sinh khoản nợ và Giá trị của khoản nợ.

Thời gian phát sinh khoản nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của quá trình thu hồi công nợ, vì các bên nợ thường có xu hướng “trốn” các khoản nợ đã có thời gian phát sinh từ lâu nhưng không được chủ nợ “nhắc nhở”. Thời gian khoản nợ càng lâu thì càng khó thu hồi, một phần do tâm lý bên nợ sẽ chỉ ưu tiên thanh toán các khoản nợ của các bên nợ gây áp lực lớn nhất với họ

Về giá trị khoản nợ, doanh nghiệp cần ưu tiên thu hồi các khoản nợ lớn trước vì thời gian để thu hồi toàn bộ với các khoản nợ này sẽ kéo dài, và còn để tránh việc các bên nợ không còn khả năng thanh toán sẽ khiến doanh nghiệp bị thâm hụt các khoản chi phí lớn hơn. Đối với các khoản nợ nhỏ hơn, doanh nghiệp có thể xem xét tiến hành yêu cầu thanh toán bằng các biện pháp nhắc nhở, gửi công văn trước khi tiến hành các biện pháp thu hồi nợ gây áp lực.

Một khi đã có một danh sách các bên nợ cần thiết và mức độ ưu tiên, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra quyết định về lộ trình thu hồi công nợ và phòng tránh được việc bỏ sót hay tính toán sai khoản nợ trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết. Việc phân loại và quản lý khoản nợ tiềm tàng là giai đoạn quan trọng để doanh nghiệp hạn chế việc phát sinh công nợ trong tương lai, và cũng là giai đoạn chuẩn bị cho quá trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ sẽ phát sinh và không thể tránh khỏi.

2. Tiến hành việc yêu cầu thanh toán và đối chiếu công nợ định kỳ, thường xuyên

Trước khi một khoản nợ thông thường trở thành nợ xấu, doanh nghiệp cần lưu ý phải thường xuyên nhắc nhở các bên nợ thanh toán định kỳ. Việc thường xuyên liên hệ và nhắc nhở định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi sát sao quá trình thanh toán của bên nợ, trong trường hợp bên nợ có vấn đề khi thanh toán hoặc phát sinh khó khăn trong trả nợ thì doanh nghiệp có thể biết và chuẩn bị cho các biện pháp thu hồi nợ phù hợp.

Ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở, nếu doanh nghiệp có thể yêu cầu bên nợ ký xác nhận vào Biên bản đối chiếu công nợ sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi sát quá trình thanh toán và giá trị khoản nợ. Ngoài ra, Đối chiếu công nợ là văn bản có giá trị rất lớn trong việc chứng minh yêu cầu của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp quyết định tiến hành biện pháp khởi kiện bên nợ tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì với căn cứ rõ ràng và xác thực từ bên nợ thì các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ có đủ căn cứ để xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp.

3. Sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cho rằng các công ty thu hồi nợ chuyên nghiệp như công ty luật chỉ có kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp và thu hồi công nợ. Tuy nhiên trên thực tế, các công ty luật còn cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên để giúp các doanh nghiệp phòng tránh các rủi ro trong quá trình hoạt động, trong đó bao gồm hoạt động tư vấn phòng ngừa rủi ro nợ xấu cho doanh nghiệp.

Hoạt động tư vấn phòng ngừa rủi ro nợ xấu của các doanh nghiệp được tiến hành bởi các luật sư và đội ngũ chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm trong việc xác định các rủi ro và nợ xấu tiềm tàng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Dịch vụ này thường được tiến hành bởi các hoạt động đánh giá tài chính của các doanh nghiệp, kiểm tra số liệu sổ sách để xác định các khoản nợ cần ưu tiên thu hồi. Kiểm tra các tài liệu quan trọng để đảm bảo quá trình phòng ngừa và chuẩn bị cho việc thu hồi công nợ nếu có phát sinh,…

Các công ty luật có kinh nghiệm trong việc thu hồi nợ lâu năm sẽ có đánh giá chuyên nghiệp hơn đội ngũ nhân viên của các doanh nghiệp vốn không có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thu hồi công nợ, do đó sẽ nâng cao khả năng phòng ngừa nợ xấu có thể phát sinh trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Cách doanh nghiệp phòng tránh phát sinh nợ xấu trong tương lai”. Mong rằng bài viết trên sẽ cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức hữu ích trong quá trình hoạt động của mình.

Trân trọng,