Hoạt động thu hồi nợ là một dịch vụ rất phổ biến hiện nay với hình thức khác nhau, một trong số đó là hoạt động thu hồi nợ qua việc áp dụng các phương tiện công nghệ như sử dụng điện thoại, tin nhắn, email và Internet. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương tiện công nghệ trong hoạt động thu hồi nợ không tuân thủ pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong bài viết này TNTP sẽ đưa ra ý kiến về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ bằng phương tiện công nghệ tại Việt Nam.

1. Thực trạng sử dụng phương tiện công nghệ để thu hồi nợ

Việc sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ việc thu hồi nợ là điều rất phổ biến hiện nay. Việc liên hệ với bên nợ qua email hay điện thoại thường là biện pháp đầu tiên mà các bên cung cấp dịch vụ thu hồi nợ áp dụng vì tiết kiệm thời gian với chi phí rẻ. Chỉ với một cuộc trao đổi điện thoại kéo dài từ vài phút đến vài chục phút cũng sẽ đem lại kết quả nhất định cho quá trình thu hồi nợ, thậm chí có khả năng thu hồi ngay một khoản nợ nếu bên nợ thực sự hợp tác thanh toán. Hơn nữa, việc liên hệ này cũng nhằm mục đích thăm dò thiện chí thanh toán của các bên nợ, không ít những trường hợp bên nợ sau khi biết số của bên thu hồi nợ đã tiến hành chặn số hoặc có thái độ không hợp tác, hoặc không còn sử dụng số thuê bao cũ,… Sau khi xác định được bước đầu bên nợ có thái độ hợp tác thanh toán hay không mà các bên thu hồi nợ có thể áp dụng biện pháp phù hợp.

Nhiều tổ chức tín dụng hiện nay cũng đã xây dựng những kho dữ liệu thu thập thông tin của bên nợ để phục vụ quá trình thu hồi nợ. Các kho dữ liệu này được lấy từ thông tin của chính bên nợ khi đăng ký các tài khoản vay tại ngân hàng, hoặc từ các nguồn khác mà ngân hàng có mối quan hệ. Khi đó, các dữ liệu của bên nợ sẽ được cung cấp cho các đội ngũ thu hồi nợ của chính ngân hàng, hoặc các công ty luật mà doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thu hồi nợ.

Như vậy có thể thấy, việc sử dụng phương tiện công nghệ để thu hồi nợ tại Việt Nam đang được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều giá trị, tuy nhiên nếu sử dụng công nghệ để tiến hành việc thu hồi nợ trái pháp luật sẽ để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội.

2. Lợi dụng công nghệ để tiến hành thu hồi nợ trái pháp luật

Tuy nhiều hoạt động thu hồi nợ sử dụng công nghệ trong phạm vi pháp luật cho phép, rất nhiều bên thu hồi nợ đã áp dụng trái phép các phương tiện công nghệ để thu hồi nợ. Tiêu biểu như việc sử dụng Internet để đăng tải hình ảnh, thông tin bên nợ với mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần của bên nợ (thậm chí là người thân của bên nợ), những hành vi này có thể cấu thành các tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự.

Hiện nay, nhiều công ty thu hồi nợ đã bị cơ quan cảnh sát điều tra và khởi tố với các tội như: “Cưỡng đoạt tài sản”, “Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm”, và “Tội Vu khống”. có thể lấy ví dụ trong tháng 2/2023, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” tại công ty Pháp Việt với nhiều hành vi vi sử dụng công nghề thu hồi nợ trái phép như gọi điện thoại đe doạ, khủng bố bên nợ. Đăng tải thông tin, hình ảnh đã cắt ghép của bên nợ lên các Cáo phó nhằm mục đích đe doạ, ép buộc bên nợ phải thanh toán. Công an tỉnh Kiên Giang xác định được các đối tượng vi phạm đã tiến hành đe doạ, khủng bố cưỡng đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân và thu được số tiền bất chính gần 1.000 tỷ đồng.

Có thể thấy các hành vi sử dụng công nghệ trên đều đã xâm phạm các quyền về thông tin cá nhân cũng như ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bên nợ, đồng thời những hành vi này cũng đã cấu thành các tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự, việc lợi dùng công nghệ để tiến hành thu hồi nợ trái pháp luật là một hành vi rất nghiêm trọng và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

Trên đây là bài viết về chủ đề “Các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ bằng phương tiện công nghệ tại Việt Nam” của TNTP, mong rằng bài viết này sẽ có ích với các độc giả.

Trân trọng,