Trọng tài đã và đang trở thành một trong những phương thức được ưu tiên sử dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo nguyên tắc lãnh thổ, phán quyết do trọng tài nước nào tuyên sẽ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của nước đó. Do vậy, để phán quyết của hội đồng trọng tài tuyên trên lãnh thổ của quốc gia này có thể được thi hành trên lãnh thổ của quốc gia khác, các bên sẽ phải thực hiện thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết đó. Trong nội dung bài viết này, TNTP sẽ phân tích các trường hợp phán quyết của Trọng tài nước ngoài được/không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

1. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và thi hành tại Việt Nam

Căn cứ Điều 424 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (“BLTTDS”), để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

• Là Phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

Trọng tài nước ngoài được hiểu là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài là Phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn.

• Là Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; và

• Là Phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

2. Những trường hợp không công nhận và thi hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Phán quyết của Trọng tài nước ngoài sẽ không được Tòa án Việt Nam công nhận và thi hành tại Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 459 BLTTDS, cụ thể như sau:

• Tòa án xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;
b) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;
c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;
d) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;
e) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;
g) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.

• Tòa án xét thấy:

a) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;
b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

TNTP đã trình bày cụ thể các trường hợp phán quyết của Trọng tài nước ngoài được/không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Hy vọng bài viết này hữu ích với quý độc giả.

Trân trọng,