Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong đó chấm dứt hợp đồng được xác định là một trong những thỏa thuận của các bên về chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Vấn đề đặt ra là các trường hợp nào thì các bên sẽ chấm dứt hợp đồng theo luật định ? Hãy cùng TNTP tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Chấm dứt hợp đồng dân sự là gì ?
Chấm dứt hợp đồng là việc một trong các bên không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng bởi vì các nguyên nhân cụ thể. Thời điểm chấm dứt hợp đồng có hiệu lực thì cũng là thời điểm chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên
2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng
Theo Điều 422 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về các trường hợp làm chấm dứt hợp đồng như sau:
- Hợp đồng đã được hoàn thành: Khi bên đã thực hiện hết các quyền và nghĩa vụ với nhau và đạt được mục đích của việc giao kết và thực hiện hợp đồng, trong trường hợp này hợp đồng sẽ đương nhiên được chấm dứt kể từ thời điểm bên có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ cuối cùng của mình đối với bên có quyền. Hợp đồng hoàn thành sớm hay muộn tùy thuộc vào đối tượng thực hiện hợp đồng, tính chất, mức độ phức tạp của hợp đồng…;
- Theo thỏa thuận của các bên: Trong trường hợp này hợp đồng được chấm dứt theo sự thỏa thuận của các chủ thể của hợp đồng với nhau. Pháp luật hiện hành tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự, trong đó bao gồm quyền thỏa thuận về vấn đề chấm dứt hợp đồng. Sự thỏa thuận này có thể được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hình thức trên các dữ liệu điện tử. Theo quan điểm của TNTP, khi Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì nên lập biên bản thanh lý hợp đồng hoặc giấy xác nhận chấm dứt hợp đồng.
Trong trường hợp một trong các bên thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng để nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba hay nhằm xâm phạm tới các chủ thể khác thì việc chấm dứt hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực, khi đó các bên bắt buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng;
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.
Chủ thể thực hiện hợp đồng được xác định là các cá nhân, pháp nhân, vì vậy trong trường hợp các chủ thể này chết/chấm dứt tồn tại thì hợp đồng sẽ chấm dứt. Sự kiện chết của cá nhân được hiểu là cái chết thực tế về mặt sinh học, tức cá nhân đó đã chấm dứt mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất hay sự phân chia các tế bào.
Pháp nhân chấm dứt tồn tại là trường hợp pháp nhân đó bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập theo quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận sự chấm dứt đó.
Không phải mọi trường hợp cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì hợp đồng sẽ chấm dứt, mà phải trong trường hợp hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.
Trong nhiều trường hợp thì hợp đồng vẫn chấm dứt nếu việc thực hiện hợp đồng không thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ, cá nhân giao kết hợp đồng chết nhưng không có người thừa kế tiếp tục thực hiện hợp đồng;
- Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện: Hủy bỏ, đơn phương chấm dứt hợp đồng là một trong những chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của các bên trong quá trình hợp hiện hợp đồng. Theo đó hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp hợp đồng được áp dụng khi các bên có thỏa thuận; có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng của một bên. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này thì bên hủy bỏ, đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
Tuy nhiên, Bên hủy bỏ đơn phương chấm dứt Hợp đồng cần lưu ý phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn: Đối tượng của hợp đồng không còn được xác định là trường hợp đối tượng đó đã bị mất, tiêu hủy hoặc vì lý do khác dẫn tới đối tượng đó không còn tồn tại trên thực tế. Việc đối tượng không còn sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khi đối tượng của hợp đồng không còn, các bên có thể thỏa thuận lại với nhau về việc thay đổi đối tượng hợp đồng.
Ví dụ: A và B thỏa thuận, giao kết hợp đồng mua bán, cụ thể bên A sẽ mua 10 tạ gạo, tuy nhiên do sự ảnh hưởng của bão, lũ lụt khiến 10 tạ gạo bị hỏng toan bộ. Trong trường hợp này đối tượng của hợp đồng được xác định là 10 tạ gạo, vì vậy khi 10 tạ gạo bị hỏng- tức đối tượng của hợp đồng không còn thì sẽ là căn cứ để chấm dứt hợp đồng.
- Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản: Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xác định là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng. Điều kiện một sự thay đổi là thay đổi cơ bản thì cần dựa vào các tiêu chí sau:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo luật định”. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng,