Hiện nay, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp ngày càng nhiều và phức tạp, phổ biến là các tranh chấp liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của thành viên, vốn góp, thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập doanh nghiệp,… Tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp có thể phát sinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, song về bản chất là do mâu thuẫn, xung đột quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong tổ chức và hoạt động của công ty. Để hiểu rõ hơn về các tranh chấp điển hình phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp, hãy cùng TNTP tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp nội bộ doanh nghiệp sẽ thỏa mãn hai điều kiện sau:

Thứ nhất, tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau;

Thứ hai, các tranh chấp liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Như vậy, có thể hiểu tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là những mâu thuẫn, những bất đồng giữa các cá nhân, tổ chức trong công ty phát sinh trong toàn bộ quá trình từ khi thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

2. Các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp

Tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty

Tranh chấp giữa công ty với các thành viên bao gồm những tranh chấp điển hình:

  • Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ góp vốn theo cam kết góp/đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giữa thành viên/cổ đông.
  • Tranh chấp về định giá tài sản khi góp vốn, không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn.
  • Tranh chấp về quyền và lợi ích, phân chia lợi nhuận giữa các thành viên, cổ đông.
  • Tranh chấp khi chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải thành viên công ty.

Tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty

Căn cứ theo khoán 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, thì Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thanh viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thanh viên, thành viên Hội đồng thanh viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thanh viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác nhau quy định tại Điều lệ công ty

Các tranh chấp liên quan đến người quản lý doanh nghiệp thường xảy ra khá phức tạp và gay gắt. Các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyết định của Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, không chấp nhận quyết định vì cho rằng những quyết định này không công bằng, không hợp pháp gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông, thành viên công ty.

Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau

Thành viên công ty là người góp vốn vào công ty và có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ đối với công ty. Khi góp vốn vào công ty, công ty có quyền sở hữu đối với tài sản (vốn góp), còn thành viên công ty có quyền sở hữu đối với công ty.

Theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định các tranh chấp điển hình giữa các thành viên của công ty, cụ thể:

  • Tranh chấp về chọn người đại diện theo pháp luật, các tranh chấp gắn liền với quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông trong công ty.
  • Tranh chấp khi thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể;
  • Tranh chấp giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp

Giải quyết tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty, phương thức giải quyết cũng giống như giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết sau:

  • Phương thức thương lượng.
  • Phương thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải (hòa giải thương mại)
  • Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
  • Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

Trên đây là bài viết của TNTP về “Các tranh chấp điển hình phát sinh trong doanh nghiệp”. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Trân trọng,