Khi các doanh nghiệp có mong muốn hợp tác với nhau, họ cũng sẽ mong muốn quá trình hợp tác diễn ra thuận lợi và không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Vậy khi những bất đồng trong quá trình thực hiện thỏa thuận xảy ra, các doanh nghiệp có thể làm gì để giảm thiểu những tranh chấp đó? Trong bài viết này, TNTP sẽ chỉ ra các phương thức doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm thiểu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng
1. Các tranh chấp có thể phát sinh trong hợp đồng
Trong hợp đồng, các dạng tranh chấp sau đây có thể xuất hiện
• Tranh chấp liên quan đến thẩm quyền: Trường hợp người ký kết hợp đồng không phải là người có thẩm quyền để ký kết và dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu;
• Tranh chấp về đối tượng của hợp đồng: Việc mô tả hàng hóa hay dịch vụ cung cấp trong hợp đồng là điều quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các bên đã mô tả đối tượng của hợp đồng không đúng với thực tế, đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ không được quy định rõ ràng. Điều này dễ làm phát sinh tranh chấp khi hàng hóa, dịch vụ có thể không phù hợp trong hợp đồng.
• Tranh chấp liên quan đến nội dung hợp đồng: Nếu nội dung, điều khoản trong hợp đồng không quy định cụ thể, chi tiết các trường hợp xảy ra sẽ dẫn đến tranh chấp khi phát sinh vấn đề trong quá trình thực hiện.
• Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng: Khi thực hiện hợp đồng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các bên có thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những gì họ đã thỏa thuận, tranh chấp có thể xảy ra.
2. Giảm thiểu tranh chấp trong giai đoạn ký kết hợp đồng
Việc giảm thiểu tranh chấp hoàn toàn có thể được thực hiện trong giai đoạn đàm phán và ký kết hợp đồng. Các bên có thể áp dụng những phương thức sau:
• Tìm hiểu kỹ đối tác: Việc tìm hiểu kỹ đối tác sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin quan trọng về đối tác cũng như tránh được một số trường hợp sau: đại diện ký kết hợp đồng không được ủy quyền một cách hợp pháp; một bên không có đủ năng lực thực hiện hợp đồng theo yêu cầu hoặc bên ký kết là một công ty không hoạt động trên thực tiễn mà chỉ tồn tại trên giấy tờ. Doanh nghiệp cần tỉm hiểu các thông tin về mã số thuế, thông tin về đăng ký doanh nghiệp, tình hình hoạt động, báo cáo tài chính (nếu có), đại diện theo pháp luật,…
• Quy định chi tiết các điều khoản trong hợp đồng: Để tránh việc các bên gặp những khó khăn khi thực hiện hợp đồng, trong quá trình soạn thảo các bên cần quy định chi tiết cụ thể các điều khoản liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng để các bên có thể thực hiện đúng những nội dung mà hai bên đã thỏa thuận. Tùy vào từng loại hợp đồng, các điều khoản cần quy định chi tiết sẽ khác nhau.
• Rà soát hợp đồng kỹ lưỡng: Việc rà soát bản thảo hợp đồng là việc làm cần thiết, giúp giảm thiểu các sai sót trong quá trình biên soạn hợp đồng, đồng thời có thể phát hiện ra những điều khoản gây ra rủi ro tranh chấp hợp đồng. Các điều khoản liên quan tới lợi ích của các bên là một trong những điều khoản có nhiều rủi ro xảy ra tranh chấp nhất, do có thể có trường hợp hợp đồng quy định quá nhiều nghĩa vụ nhưng rất ít quyền cho một bên và ngược lại. Do đó, người rà soát cần tập trung vào những điều khoản như vậy.
• Thống nhất các nội dung còn tranh cãi: Việc các bên có mong muốn khác nhau khi hợp tác có thể dẫn đến sự bất đồng quan điểm về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Với những vấn đề này, cần thương lượng trực tiếp với đối tác trên cơ sở thiện chí hợp tác, nhưng vẫn cần có những giới hạn để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.
3. Giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn thực hiện hợp đồng
• Thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận: Để không phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp từ việc thực hiện hợp đồng, các bên cần có ý thức thực hiện chính xác, đầy đủ các quy định đã được thỏa thuận trong hợp đồng.
• Sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế: Khi có các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên phát sinh vấn đề cần thông báo lại vấn đề cho bên còn lại. Trong quá trình giải quyết vấn đề, các bên cần tích cực phối hợp với đối tác, đồng thời sử dụng các hình thức như thương lượng, hòa giải để giải quyết những bất đồng giữa các bên.
Trên đây là bài viết “Các phương thức doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm thiểu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng?” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được giải đáp.
Trân trọng,