Việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng bị chi phối bởi nhiều yếu tố và luôn tiềm tàng khả năng phát sinh tranh chấp. Do vậy, ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng, các bên cần nhận diện những tranh chấp có thể phát sinh để từ đó quy định hướng giải quyết trong từng trường hợp. Điều này sẽ giúp các bên chủ động nếu có tranh chấp xảy ra. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày một số tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng mà các bên tham gia hợp đồng nên lưu ý.

1. Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng

• Đây có thể coi là loại tranh chấp điển hình, phổ biến trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng. Một số nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp này có thể kể đến như: i) Thỏa thuận về thanh toán không rõ ràng, không dự tính được các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng (giá thị trường biến động); ii) Nhà thầu phụ bị phụ thuộc tiến độ thanh toán theo hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư; iii) Hồ sơ thanh toán không đầy đủ (Biên bản nghiệm thu khối lượng, biên bản nghiệm thu thanh toán, các hóa đơn giá trị gia tăng,…); iv) Chủ đầu tư gây khó khăn, chậm trễ thanh toán hoặc không còn khả năng thanh toán.

• Trên thực tế, khi nhà thầu yêu cầu thanh toán, các chủ đầu tư có thể đưa ra nhiều lý do để từ chối thanh toán như sau:

+ Nhà thầu thi công không đạt chất lượng, có sai sót, hư hỏng không khắc phục;
+ Nhà thầu thi công chậm tiến độ;
+ Các bên chưa thực hiện nghiệm thu và bàn giao công trình;
+ Hồ sơ thanh toán không hợp lệ như thiếu chữ ký, người xác lập hồ sơ không đúng thẩm quyền;
+ Hạng mục phát sinh chưa được đệ trình đủ hồ sơ và chưa được chủ đầu tư phê duyệt;
+ Nhà thầu không thực hiện bảo hành công trình;
+ Nhà thầu ung cấp thông tin sai lệch về hồ sơ năng lực để lừa dối chủ đầu tư và thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia hoạt động xây dựng…

Trường hợp nhà thầu thực hiện nhiều dự án cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư còn có thể viện dẫn rằng do có tranh chấp tại dự án này nên không tiếp tục thanh toán các hợp đồng thuộc dự án khác.

2. Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình

Khi thực hiện dự án, nội dung mà chủ đầu tư quan tâm nhất là tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Đối với tiến độ thi công, các bên thường thỏa thuận cụ thể về tiến độ thi công và nhà thầu có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố như nhân lực, vật tư, thời tiết, hoàn cảnh,… mà nhà thầu chậm tiến độ thi công và làm ảnh hưởng đến chủ đầu tư.

Đối với chất lượng công trình, nhà thầu cần thực hiện đúng các cam kết về vật liệu, vật tư, thiết kế. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận nhà thầu đã sử dụng vật liệu, vật tư không đảm bảo chất lượng, không đúng với thỏa thuận của các bên,… hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế đã được phê duyệt hoặc nhà thầu không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng hoặc nhà thầu vi phạm quy định về tổ chức thí nghiệm, nghiệm thu vật liệu đầu vào;… Chính những điều này đã khiến cho chất lượng công trình không được đảm bảo, và một số công trình vừa được hoàn thành đã xuống cấp, khiến các bên phát sinh tranh chấp về chất lượng công trình.

3. Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng trước thời hạn

Khi phát sinh một số vi phạm nghiêm trọng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư/ nhà thầu có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư/ nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng mà không theo quy định pháp luật và hợp đồng. Một số ví dụ có thể kể đến như: Nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thanh toán các chi phí phát sinh ngoài hợp đồng nhưng chủ đầu tư không đồng ý thanh toán nên nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng; chủ đầu tư cố tình viện dẫn nhiều lý do không chính đáng để cho rằng nhà thầu vi phạm hợp đồng để từ đó đơn phương chấm dứt hợp đồng,…

Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng (nếu trong hợp đồng có quy định về phạt vi phạm).

4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng

Việc chứng minh quyền được bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm của một bên trong hợp đồng xây dựng là công việc rất phức tạp. Thông thường, các bên sẽ khó thống nhất được mức bồi thường chung. Do vậy, các bên buộc phải thuê một bên thứ ba là các chuyên gia trong xây dựng, các đơn vị thẩm định, định giá,… để xác định được trách nhiệm pháp lý và tính toán thiệt hại.

Trên đây là bài viết “Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được giải đáp.

Trân trọng,