Để thực hiện một dự án xây dựng thì doanh nghiệp cần đảm bảo lượng vốn lớn và ổn định, lâu dài. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra có thể tác động đến dòng vốn mà cơ bản nhất có thể lường trước là các khoản nợ phát sinh. Làm thế nào để xử lý các khoản nợ và đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp được duy trì ổn định trong quá trình xây dựng? Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về: “Các bước thu hồi nợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng”.

1. Xác định khoản nợ cần ưu tiên thu hồi

Trong hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và trong các ngành nghề kinh doanh khác nói chung đều có thể phát sinh rất nhiều khoản nợ khác nhau. Một số khoản nợ có thể chưa tác động lớn đến dòng chảy tài chính, một số khác có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Do đó, bước đầu tiên của việc thu hồi nợ là việc doanh nghiệp cần ưu tiên thu hồi của các khoản nợ có khả năng ảnh hướng lớn đến hoạt động kinh doanh để loại bỏ rủi ro tài chính có thể phát sinh. Theo kinh nghiệm của TNTP, một khoản nợ doanh nghiệp cần ưu tiên thu hồi có các đặc điếm sau:

– Khoản nợ có thời gian phát sinh từ 12 tháng trở lên
– Bên nợ có hoạt động kinh doanh không ổn định
– Giá trị khoản nợ lớn (trên 50% giá trị của dự án có liên quan)
– Bên nợ có dấu hiệu không hợp tác thanh toán

Theo đó, sau khi xác định được các khoản nợ ưu tiên thu hồi, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho bước tiếp theo là đối chiếu công nợ.

2. Đối chiếu công nợ

Đối chiếu công nợ là việc doanh nghiệp và bên nợ cùng thống nhất để xác định chính xác giá trị khoản nợ phải thu và bên nợ thừa nhận nghĩa vụ thanh toán với khoản nợ này. Đây là bước rất quan trọng phục vụ cho các giai đoạn thu hồi nợ về sau, vì khi bên nợ không thừa nhận khoản nợ thì doanh nghiệp sẽ phải chứng minh việc mình có quyền thu hồi nợ, cũng như chứng minh giá trị khoản nợ. Khi đó công việc thu hồi nợ sẽ trở thành công việc giải quyết tranh chấp tốn kém nhiều thời gian và công sức, thậm chí là chi phí của doanh nghiệp.
Việc đối chiếu công nợ nên được thực hiện liên tục kể từ thời điểm khoản nợ bắt đầu phát sinh để hạn chế khả năng bên nợ từ chối khi giá trị khoản nợ lớn. TNTP cho rằng doanh nghiệp nên đối chiếu công nợ định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hồi nợ nếu có phát sinh về sau.

3. Thương lượng

Là bước đầu tiên trong quá trình thu hồi nợ, khi đó doanh nghiệp sẽ nhắc nhở bên nợ phải thanh toán khoản nợ bằng việc thương lượng trên cơ sở thiện chí, tôn trọng và hợp tác. Đây là giai đoạn doanh nghiệp thăm dò bên nợ có thiện chí thanh toán khoản nợ hay không, do đó quá trình thực hiện cần hạn chế gây áp lực lớn không cần thiết.

Việc thương lượng nếu thành công sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian để thu hồi khoản nợ, do đó ở giai đoạn này doanh nghiệp có thể cân nhắc các phương án thanh toán theo hướng “Win-Win” để gia tăng khả năng thu hồi nợ thành công nếu bên nợ cũng có thiện chí thanh toán và khả năng thanh toán khoản nợ.

Trường hợp doanh nghiệp trong khả năng của mình đã cố gắng thương lượng thiện chí nhưng bên nợ không hợp tác để thanh toán khoản nợ thì doanh nghiệp cần xem xét tiến hành giai đoạn tố tụng tại cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền.

4. Tiến hành giai đoạn tố tụng

Khi giai đoạn thương lượng giữa các bên không thành công trong việc thu hồi khoản nợ, doanh nghiệp có thể xem xét tiến hành giai đoạn tố tụng. Theo quy định của pháp luật, tố tụng là các trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh trong một quan hệ pháp luật, khi đó cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ có thẩm quyền tiến hành thủ tục tố tụng bao gồm nhưng không giới hạn là Tòa án và Trung tâm trọng tài.

Khi tiến hành giai đoạn tố tụng để thu hồi nợ, doanh nghiệp sẽ nộp Đơn khởi kiện đến cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án và Trung tâm trọng tài, tùy theo sự lựa chọn của các bên tại Hợp đồng. Các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ xem xét Đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo của doanh nghiệp để ban hành Quyết định/Phán quyết/Bản án có hiệu lực pháp luật nếu Đơn khởi kiện và các tài liệu này đủ căn cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp.

Sau khi cơ quan giải quyết tranh chấp ban hành Quyết định/Phán quyết/Bản án có hiệu lực pháp luật buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ. Doanh nghiệp có thể tiến hành giai đoạn Thi hành án để cơ quan Thi hành án có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết nhân danh quyền lực nhà nước để buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ cho doanh nghiệp theo đúng nội dung Quyết định/Phán quyết/Bản án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Các bước thu hồi nợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,