Để việc thu hồi công nợ được thực hiện một cách hiệu quả thì các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cần thực hiện các công việc cần thiết theo các trình tự, thủ tục phù hợp. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các bước thu hồi nợ để doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng có thể tham khảo cho hoạt động của mình.
Bước 1: Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ
Để có thể tiến hành việc thu hồi nợ một cách hiệu quả thì doanh nghiệp cần chuẩn bị các chứng cứ và tài liệu cần thiết như sau:
a) Hợp đồng hoặc thỏa thuận đã ký giữa doanh nghiệp và bên nợ
Trong trường hợp khoản nợ giữa doanh nghiệp và bên nợ phát sinh từ hợp đồng hoặc thỏa thuận thì doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các tài liệu này. Hợp đồng hoặc thỏa thuận sẽ bao gồm các nội dung về phạt do vi phạm nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại, lãi xuất do các bên thỏa thuận, và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Các nội dung này rất quan trọng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền doanh nghiệp yêu cầu bên nợ thanh toán, thậm chí là cơ quan giải quyết tranh chấp nếu doanh nghiệp muốn tiến hành việc khởi kiện để thu hồi nợ.
b) Hóa đơn, biên bản giao nhận hàng hóa
Đây là các tài liệu chứng minh số lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như giá trị của các hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp cho bên nợ, cũng như thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Các tài liệu này nhằm thể hiện quá trình thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và bên nợ, cũng như xác định xác định nghĩa vụ chưa thực của bên nợ còn lại là bao nhiêu. Các tài liệu này thể hiện quá trình thực hiện hợp đồng, thỏa thuận trên và là căn cứ chứng minh cho yêu cầu thanh toán của bên nợ nên rất quan trọng trong quá trình thu hồi nợ và cả trong giai đoạn khởi kiện
c) Biên bản đối chiếu công nợ
Biên bản đối chiếu công nợ là văn bản xác nhận của các bên về giá trị khoản nợ mà bên nợ có nghĩa vụ phải thanh toán theo nội dung Hợp đồng, thỏa thuận trước đó. Số tiền trên Biên bản đối chiếu công nợ là căn cứ rõ ràng để doanh nghiệp yêu cầu bên nợ có nghĩa vụ thanh toán, vì khi đã giao kết Biên bản đối chiếu công nợ thì chính bên nợ đã thừa nhận khoản nợ và không thể chối bỏ nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ. Đây là tài liệu rất quan trọng mà doanh nghiệp nên cân nhắc chuẩn bị khi thực hiện thu hồi nợ.
Bước 2: Tiến hành thương lượng
Tại giai đoạn thương lượng, doanh nghiệp sẽ liên hệ với bên nợ bằng nhiều hình thức khác nhau, từ gọi điện thoại, gửi email, văn bản, thậm chí là cử nhân viên đến trụ sở bên nợ để trực tiếp trao đổi với bên nợ. Mục tiêu của giai đoạn thương lượng là thăm dò thái độ của bên nợ có thiện chí thanh toán hay không. Trong trường hợp bên nợ chậm thanh toán hoặc không có thái độ thiện chí thanh toán khoản nợ, doanh nghiệp cần thông báo đến bên nợ về việc sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý như khởi kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp để gây áp lực buộc bên nợ phải thanh toán.
Bước 3: Khởi kiện
Sau khi giai đoạn thương lượng không thành thì doanh nghiệp có thể tiến hành biện pháp khởi kiện để thu hồi nợ. Tại bước này, doanh nghiệp sẽ nộp Đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ, tài liệu liên quan đến khoản nợ đến các cơ quan giải quyết tranh chấp như Tòa án hoặc Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền.
Mục tiêu của giai đoạn này là đưa ra căn cứ hợp pháp để các cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét chấp nhận yêu cầu buộc bên nợ phải thanh toán. Khi các cơ quan giải quyết tranh chấp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ban hành một văn bản có giá trị pháp lý là Bản án/Quyết định (đối với Tòa án) và Phán quyết (Đối với Trung tâm Trọng tài thương mại). Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị để thi hành án, khi đó cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ nhân danh quyền lực nhà nước và tiến hành các biện pháp cưỡng chế cần thiết nhằm buộc bên nợ phải thực hiện thanh toán.
Các biện pháp thi hành án tại giai đoạn thi hành án được đảm bảo thi hành theo quy định của pháp luật, do đó bên nợ bắt buộc có nghĩa vụ phải tuân thủ. Do đó khởi kiện là bước quan trọng và có khả năng thu hồi nợ cao nhất, tuy nhiên việc khởi kiện sẽ mất phí và thời gian theo quy định của pháp luật nên doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi tiến hành bước này để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Các bước thu hồi nợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.
Trân trọng,