Giải quyết tranh chấp trong việc thu hồi nợ là một quá trình khó khăn. Và để thực hiện tốt quá trình đó, các doanh nghiệp cần có quy trình thu hồi công nợ hợp lý. Công nợ phải thu, phải trả ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và tài chính doanh nghiệp. Do đó việc thu hồi công nợ đóng vai trò then chốt, phải xử lý cẩn thận và chính xác. Có rất nhiều hình thức thu hồi nợ khác nhau. Doanh nghiệp có thể thu hồi (các) Khoản nợ bằng việc tiến hành thương lương hoặc tiến hành khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bài viết này sẽ đề cập đến Các bước thu hồi nợ cơ bản của doanh nghiệp:
1. Tiến hành thương lượng với Bên nợ để yêu cầu giải quyết (các) Khoản nợ (thời gian tiến hành từ 01 đến 03 tháng)
Sử dụng thư, công văn đòi nợ (hoặc yêu cầu thanh toán)
Trao đổi qua điện thoại, email hoặc gặp trực tiếp Bên nợ trên thực tế mang lại hiểu qua cao. Nhưng trong trường hợp không có cơ hội giao tiếp, hãy soạn thảo các công văn yêu cầu Bên nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán “Công văn yêu cầu thanh toán”.
Công văn yêu cầu thanh toán có mục đích rất rõ ràng. Hầu như 10% Bên nợ quyết định trả nợ khi doanh nghiệp gửi Công văn này. Để thu hồi (các) Khoản nợ khó đòi thì đây là một tỷ lệ đáng hy vọng. Ngoài ra, Công văn này còn là căn cứ để khởi kiện, xác định thời hiệu khởi kiện cũng như tạo lợi thế trong việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sử dụng đàm phán để thu hồi nợ hiệu quả
Quá trình đàm phán nhằm thu hồi (các) Khoản nợ có thể được chia làm nhiều giai đoạn. Các Doanh nghiệp có thể tham khảo theo dưới đây:
- Giai đoạn Thăm hỏi. Đã đến hạn thanh toán mà Bên nợ không có bất kỳ phản hồi nào. Hãy gọi điện, gửi mail hoặc thư đề cập Bên nợ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình. Giai đoạn này được thực hiện trên tinh thần nhắc nhở nhẹ và thông cảm với sự chậm trễ của Bên nợ. Đồng thời, Doanh nghiệp có thể gia hạn một thêm thời điểm thanh toán cụ thể.
- Giai đoạn Nhắc nhở. Doanh nghiệp đã gia hạn thêm nhưng Bên nợ vẫn chưa thanh toán Khoản nợ. Hãy nhắc nhở ở mức độ mạnh hơn. Yêu cầu Bên nợ hợp tác để giải quyết (các) Khoản nợ bằng phương pháp thương lượng. Nhưng vẫn nên tỏ ra thiện chí, tin tưởng Bên nợ sẽ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
- Giai đoạn Cảnh cáo. Nếu Bên nợ vẫn thất hẹn, hãy thể hiện thái độ nghiêm khắc yêu cầu thanh toán. Có thể chỉ ra hậu quả pháp lý nếu Bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Đề nghị Bên nợ cam kết thanh toán bằng văn bản để có tính đảm bảo cao. Nếu Bên nợ không thực hiện đúng cam kết thì văn bản này cũng có thể trình nộp cho Tòa án có thẩm quyền. Đây được coi như chứng cứ về việc không hợp tác giải quyết Khoản nợ của Bên nợ.
Lưu ý về các khoản nợ:
Nếu Khoản nợ quá lớn, giải pháp gửi công văn, gọi điện có thể không hiệu quả. Đại diện doanh nghiệp nên gặp riêng Bên nợ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Cũng như để tìm hiểu nguyên nhân và khả năng trả nợ của Bên nợ. Một số doanh nghiệp, sau khi biết tình hình, đã hỗ trợ xử lý khó khăn của Bên nợ. Như xử lý hàng tồn kho…. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng thu hồi được Khoản nợ một cách hiệu quả.
2. Tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền hoặc khởi kiện Trọng tài (thời gian tiến hành từ 03 tháng đến 12 tháng)
Trong trường hợp đàm phán không thành công và đánh giá vụ kiện là khả thi. Đã đến lúc Doanh nghiệp có thể tiến hành khởi kiện Bên nợ. Doanh nghiệp có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết tranh chấp, thu hồi nợ của Bên nợ khi thỏa mãn đồng thời 03 điều kiện sau:
- Phát sinh Khoản nợ và Bên nợ không trả nợ đúng như cam kết. Dẫn đến tranh chấp và Doanh nghiệp cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm
- Tranh chấp giữa Doanh nghiệp và Bên nợ trong trường hợp này phải thuộc thầm quyền giải quyết của Tòa án hoặc Trọng tài, không phải thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức nào khác
- Trong một số trường hợp, nếu có thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật bắt buộc phải thực hiện các thủ tục tiền tố tụng như hòa giải, thương lượng, thông báo… thì Doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục đó trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Doanh nghiệp và Bên nợ.
Từ đó, Doanh nghiệp có thể tiến hành nộp đơn Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền hoặc khởi kiện Trọng tài theo quy định của pháp luật.
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Thư cảnh báo phát sinh công nợ hoặc Thu hồi nợ nên vào thời điểm nào trong năm
Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com