Hiện nay, việc thu hồi công nợ doanh nghiệp vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà kinh doanh. Để thu hồi công nợ doanh nghiệp đạt hiệu quả đòi hỏi người thực hiện phải có những kiến thức pháp lý chuyên sâu, kĩ năng phân tích và cách thức giải quyết vấn đề xử lý nợ. Bài viết sau đây sẽ phân tích các bước thu hồi nợ cơ bản của doanh nghiệp.

Bước 1: Xác minh hồ sơ, yêu cầu thu hồi nợ

Đây là công việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm đối với mỗi khoản nợ, con nợ và trước khi tiến hành bắt tay vào công việc thu hồi nợ. Việc xác minh, kiểm tra, phân tích hồ sơ sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quát hơn về từng trường hợp nợ nhằm phân tích phương án tiếp cận xử lý, số tiền cần đòi và dự kiến được các bước trong quá trình thu hồi nợ. Các bước cụ thể bao gồm:

  • Xác minh tính pháp lý hồ sơ và yêu cầu thu hồi nợ: xem xét, đánh giá hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp, đối chiếu hồ sơ, chứng từ và các tài liệu liên quan đến yêu cầu thu hồi nợ của doanh nghiệp
  • Xác minh sơ bộ về đối tượng, khả năng thanh toán nợ của bên có nghĩa vụ

Bước 2: Đàm phán, thương lượng thu hồi công nợ

Đây là bước quan trọng nhất trọng nhất trong quy trình thu hồi công nợ, đòi hỏi doanh nghiệp phải vừa có kiến thức và kỹ năng thu hồi nợ, vừa phải khéo léo linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình gặp gỡ làm việc, thương lượng, đàm phán với bên có nghĩa vụ thanh toán công nợ, nếu bên đối tác có thiện chí về việc trả nợ thì việc lựa chọn giải pháp đàm phán thanh toán nợ thông qua thương lượng sẽ là tối ưu nhất. Sẽ có rất nhiều cách thức thương lượng đàm phán nhưng thực tế sẽ áp dụng như sau:

  • Cho thanh toán chậm theo từng đợt, chia theo kỳ hạn nhỏ và chốt thời hạn thanh toán cuối cùng
  • Giảm, miễn một phần nợ, nợ lãi hoặc chi phí có thể giảm được tùy chính sách từng công ty và từng thời điểm
  • Chấp thuận linh hoạt cho thanh toán bằng tiền, hàng hóa, chứng khoán hoặc cấn trừ nợ, bù trừ nghĩa vụ…
  • Các phương án linh hoạt khác trong thương lượng sao cho vừa phù hợp với chính sách, khả năng của doanh nghiệp, vừa đảm bảo khả năng chi trả và hiệu quả thu hồi công nợ.

Bước 3: Thực hiện khởi kiện thu hồi công nợ

Đây là giải pháp gây áp lực cực lớn nhưng cũng rất ít khi doanh nghiệp tính tới, đối với những con nợ bất hợp tác, trốn tránh hoặc những khoản công nợ lớn thì đây là giải pháp phù hợp và hiệu quả trong công tác xử lý , thu hồi công nợ. Tất nhiên, cũng cần xem đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn kém chi phí, nhân lực, thời gian. Ngoài ra, nó chỉ hiệu quả khi có sự hỗ trợ của Công ty Luật, Luật sư có chuyên môn, giúp cho doanh nghiệp bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp.

Các công việc mà Công ty Luật/Luật sư sẽ hỗ trợ bạn:

  • Soạn thảo đơn khởi kiện, Hồ sơ khởi kiện và thực hiện khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền hoặc tại Trung tâm trọng tài thương mại
  • Đại diện cho khách hàng hoặc cử Luật sư tham gia bảo vệ cho khách hàng
  • Tư vấn, soạn thảo hồ sơ yêu cầu thi hành án

Trên đây là những bước cơ bản nhất giúp doanh nghiệp thu hồi nợ hiệu quả, trên thực tế sẽ có những tình huống vô cùng phức tạp, khó khăn, tuy nhiên, việc áp dụng nhuần nhuyễn các kiến thức pháp lý chuyên môn, kỹ năng và cả sự linh hoạt trong công tác thu hồi nợ sẽ đem lại hiệu quả thực sự tốt.

Trân trọng