Hiện nay, có thể thấy nhiều hội, nhóm trên các mạng xã hội thực hiện hành vi lôi kéo và hướng dẫn nhiều người bùng nợ với công ty tài chính đã thu hút hàng trăm đến hàng nghìn thành viên tham gia. Hành vi này tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro pháp lý nào? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc: “Bùng nợ với công ty tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?”

1. Hành vi bùng nợ với công ty tài chính

Theo quy định của pháp luật, công ty tài chính là doanh nghiệp thuộc loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các doanh nghiệp này có chức năng cho vay, bao gồm cho vay trả góp và cho vây ngân hàng. Như vậy, dịch vụ cho vay tiền của các công ty tài chính là hoạt động được pháp luật cho phép và phải được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Việc bùng nợ với công ty tài chính là việc người vay đã lợi dụng quá trình xác thực hồ sơ cho vay đơn giản của các công ty tài chính qua hình thức trực tuyến, qua app hoặc việc lập hồ sơ cho vay với các điều kiện xác thực đơn giản như chỉ bằng số điện thoại hoặc thẻ căn cước công dân để thực hiện các hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay từ các công ty tài chính. Các hành vi có thể từ đơn giản là cung cấp số điện thoại từ sim rác, cố tình cung cấp thông tin sai lệch để đủ điều kiện hoàn tất hồ sơ vay, cho đến những hành vi tinh vi và phức tạp như làm giả giấy tờ, căn cước công dân để qua mặt các hệ thống cho vay app được thực hiện chủ yếu bằng trí thông minh nhân tạo. Các hành vi này đã được nhiều người thực hiện thành công và bị lan truyền với tốc độ rất nhanh trên các mạng xã hội, nhiều người còn coi đây là một cách để kiếm tiền nhanh chóng đang gây xôn xao dư luận hiện nay.

2. Tác động xấu tới các công ty tài chính và trật tự xã hội

Việc bùng nợ ngày càng nhiều ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính, nhiều người không phân biệt được việc cho vay của các công ty tài chính với hoạt động cho vay trái phép của các tổ chức tín dụng đen nên đã dẫn đến tình trạng cố tình bùng nợ. Đồng thời, việc xuất hiện nhiều App cho vay tiêu dùng mạo danh các công ty tài chính cũng đã khiến nhiều người có góc nhìn tiêu cực và sai lệch đối với công ty tài chính hoạt động đúng pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh hợp pháp của hệ thống công ty tài chính vốn đem lại nhiều lợi ích với xã hội.

Các hội nhóm bùng nợ hoạt động hoạt động ngày càng nhiêu đã dẫn đến rủi ro cho các công ty tài chính khi các công ty tài chính không thu hồi được tiền cho vay, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng kinh doanh cũng như doanh thu của các công ty tài chính. Điều này vô hình chung lại dẫn đến việc nhiều người thực sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ công ty tài chính nên sẽ có nguy cơ phải sử dụng dịch vụ của tín dụng đen vốn có lãi suất rất cao, hoạt động trái phép và tiềm ẩy nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

3. Rủi ro pháp lý khi bùng nợ

a) Trường hợp vi phạm pháp luật hình sự

Theo quy định tại Bộ luật hình sự thì hành vi sử dụng hành vi gian dối nhằm có được tài sản, hoặc có điều kiện trả nợ nhưng không trả có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt từ 06 tháng đến 20 năm tù tùy thuộc vào số tiền mà người vay đã bùng nợ.

Như vậy, việc người vay không có đủ điều kiện trả nợ trước khi vay chính nhưng vẫn khai báo không trung thực tại các công ty tài chính để nhận được tiền vay cũng có thể cầu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do việc khai báo không trung thực này được coi là hành vi gian dối.

Ngoài ra, việc nhiều người tuy không có hoàn cảnh khó khăn, có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố ý trốn tránh, đưa ra thông tin không đúng sự thật, hoặc làm giả giấy tờ để trốn tránh nghĩa vụ thanh toán cũng đuợc coi là thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, việc người bùng nợ thành lập các hội nhóm “chia sẻ” cách bùng nợ trên mạng xã hội cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về tội Đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự do có hành vi xúi giục, giúp sức người khác thực hiện tội phạm.

b) Trường hợp phát sinh tranh chấp dân sự

Trong trường hợp người vay không tiến hành các hành vi gian dối để bùng nợ nhưng do điều kiện và khả năng tài chính dẫn đến việc người này không có khả năng thanh toán khoản nợ thì sẽ không cấu thành các tội phạm hình sự nhưng sẽ làm phát sinh các tranh chấp pháp lý về dân sự đối với người vay.

Khi đó, các công ty tài chính có thể khởi kiện người vay về việc không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo nội dung hợp đồng vay, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cho vay đến cơ quan giải quyết tranh chấp như Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để ban hành Bản án/Quyết định buộc người vay phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Sau khi Bản án/Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ tiến hành giai đoạn Thi hành án, theo đó bên nợ sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.

Từ những nội dung trên, có thể thấy việc người vay tiền bùng nợ có thể dẫn đến các tranh chấp dân sự, hoặc thậm chí là bị xử lý hình sự. Do đó, mọi người cần có ý thực tuân thủ pháp luật, tuân thủ các giao dịch dân sự để bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng như lợi ích của chính mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Bùng nợ với công ty tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật? Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.”

Trân trọng,