Trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng tại Tòa án, việc tuân thủ các quy định về thủ tục tố tụng tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là rất quan trọng không chỉ đối với Tòa án mà còn đối với người tham gia tố tụng như nguyên đơn, bị đơn, người có nghĩa vụ liên quan. Đối với các đương sự, việc chủ động nắm bắt và tự nguyện thực thi pháp luật tố tụng là vô cùng cần thiết trong một xã hội văn minh, đồng thời thông qua việc tuân thủ thủ tục tố tụng, đương sự có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Thông qua Án lệ số 12/2017/AL, TNTP xin chia sẻ những bình luận xoay quanh việc xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa trong thủ tục tố tụng.

TÓM TẮT ÁN LỆ

  1. Công ty Cổ phần Q (“Công ty Q”) và Công ty TNHH T (“Công ty T”) đã ký kết hai (02) Hợp đồng mua bán cây giống cao su, theo đó tổng số lượng cây mà Công ty T đồng ý bán và Công ty Q đồng ý mua là 400.000 cây cao su giống bầu hai tầng lá có giá trị 2.800.000.000 Kíp Lào.
  2. Công ty Q cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngoài việc không thực hiện đúng hợp đồng, Công ty T còn mượn một số lượng cây Stump trần của Công ty Q và mượn các loại vật tư, phân bón của Công ty Q. Tại phiên tòa, Công ty Q đề nghị Công ty T thanh toán số tiền là 1.720.888.500 đồng (bao gồm số tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, số tiền phạt vi phạm, số tiền cây giống Stump trần đã mượn, số tiền vật tư đã mượn từ Công ty Q).
  3. Công ty T cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã thực hiện đúng hợp đồng, nhưng khi đến thời hạn giao cây thì Công ty Q trì hoãn không nhận cây do không đủ công nhân, chưa có phương tiện vận chuyển cây dẫn đến bị chết cây. Tại phiên tòa, Công ty T đề nghị Công ty Q thanh toán số tiền là 4.967.026.000 đồng (bao gồm giá trị 400.000 cây giống đã thực hiện theo hợp đồng, giá trị vườn gỗ nhân, giá trị các bầu đất). Đối với các cây Công ty T đã mượn, Công ty T đồng ý hoàn trả số cây còn lại bằng hiện vật, không chấp nhận trả bằng tiền.
  4. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị ra Bản án Kinh doanh Thương mại sơ thẩm số 08/2013/KDTM-ST ngày 04/9/2013 (“Bản án sơ thẩm”), theo đó không chấp nhận yêu cầu của Công ty T. Công ty T có Đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng trị có Quyết định kháng nghị Bản án sơ thẩm, tuy nhiên Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng lại ra Quyết định có nội dung (i) Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty T, (ii) Không chấp nhận kháng nghị của Viện trường Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, (iii) Giữ nguyên Bản án sơ thẩm với lý do Công ty T – bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa.
  5. Công ty T tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với quyết định của Tòa phúc thẩm nêu trên. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên (i) Chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, (ii) Hủy Bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm – Tòa án Nhân dân Tối cao và Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị, và (iii) Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
  6. Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhận định: Theo Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 26-11-2013 thì tại phiên tòa các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa đ các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 26-02-2014, bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hp pháp của bị đơn vắng mặt. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và việc hoãn phiên tòa là do Tòa án, tại phiên tòa được mở lại đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất. Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp llần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hp pháp của bị đơ

NHẬN XÉT ÁN LỆ

Dựa trên phần tóm tắt án lệ, TNTP có một vài ý kiến nhận xét như sau:

Khi Tòa án quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm, có hai (02) nguyên nhân chính đến từ (i) Tòa án – khi Tòa án quyết định chủ động hoãn phiên tòa vì lý do cụ thể, hoặc (ii) đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ.

Trường hợp 1: Nguyên nhân hoãn phiên tòa do Tòa án

Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử có thể chủ động hoãn phiên tòa vì Tòa án chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, hoặc đại diện Viện kiểm sát vắng mặt, hoặc do các nguyên nhân khác mà Tòa án đã nêu cụ thể trong quyết định hoãn phiên tòa. Do nguyên nhân hoãn phiên tòa là quyết định của Hội đồng xét xử, việc đương sư hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Đương sự vắng mặt trong phiên tòa này sẽ không được xem xét là vắng mặt lần thứ nhất.

Khi phiên tòa được mở lần thứ hai mà đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tiếp tục vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất.

Khi phiên tòa được mở lần thứ 3mà đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tiếp tục vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ thì được coi là vắng mặt lần thứ hai.

Trường hợp 2: Nguyên nhân hoãn phiên tòa do người kháng cáo hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất

Trong trường hợp này, Tòa án hoãn phiên tòa do người kháng cáo hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất. Vì vậy, sau khi phiên tòa được mở lần thứ hai, trường hợp người kháng cáo hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tiếp tục vắng mặt sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ sẽ được coi là vắng mặt lần thứ hai.

Về hậu quả pháp lý của việc người kháng cáo vắng mặt lần thứ hai sau khi được Tòa án triệu tập hợp lệ, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án sẽ coi người kháng cáo từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm với yêu cầu kháng cáo của người kháng cáo. Do đó, việc xác định người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất hay lần thứ hai sau khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ là rất quan trọng để tránh Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm, và để xác định được việc này, cần xác định rõ nguyên nhân hoãn phiên tòa.

Như vậy, đây chính là quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa.

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Để áp dụng thực tế, TNTP có những khuyến cáo sau đối với đương sự, đặc biệt là người kháng cáo:

  • Khi được triệu tập hợp lệ bởi Tòa án, đương sự, đặc biệt là người kháng cáo hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cần sắp xếp tham gia phiên tòa phúc thẩm một cách đầy đủ và nghiêm túc, do chính bản thân mình là đối tượng kháng cáo, quyền lợi của đối tượng kháng cáo liên quan và phụ thuộc vào việc kháng cáo trong quá trình tố tụng. Ngay cả khi đương sự, người kháng cáo hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã tham gia đầy đủ phiên tòa nhưng Tòa án quyết định hoãn phiên tòa, việc có mặt tại phiên tòa giúp chúng ta nắm bắt được nguyên nhân hoãn phiên tòa, tránh trường hợp vụ án bị đình chỉ như tại tình huống trên.
  • Trong các trường hợp tương tự khi đương sự, người kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích của người kháng cáo đã vắng mặt sau khi Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai và bị bác đơn kháng cáo trong trường hợp Hội đồng xét xử chủ động hoãn phiên tòa trong phiên tòa lần thứ nhất, Đương sự có thể căn cứ vào Án Lệ số 21/2018/AL để nộp đơn giám đốc thẩm nhằm chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là bài bình luận Án lệ số 21/2018/AL của TNTP. Hy vọng rằng bài viết này là hữu ích cho Quý độc giả.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc BÌNH LUẬN ÁN LỆ SỐ 20/2018/AL (Do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com