Trong hoạt động kinh doanh, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, quốc gia không còn xa lạ. Tuy nhiên, sự hợp tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Việc đẩy mạnh kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài dẫn đến các khoản nợ phát sinh ngày càng nhiều. Những khoản nợ này có yếu tố nước ngoài và vì vậy, việc thu hồi nợ cũng có một vài khác biệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những khó khăn khi doanh nghiệp Việt Nam thu hồi nợ mà bên nợ là cá nhân, pháp nhân nước ngoài để các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm khi gặp những tình huống tương tự.

1. Không xác định được chính xác địa chỉ, tư cách pháp lý của bên nợ

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, có thể dễ dàng tra cứu các thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, do bên nợ có địa chỉ, trụ sở tại nước ngoài nên rất khó để xác định đó có phải địa chỉ chính xác của bên nợ hay không, thậm chí nếu bên nợ đã thay đổi địa chỉ hoạt động, người đại diện, mã số doanh nghiệp, tình trạng hoạt động,… thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể nắm được. Hơn nữa, việc xác định các thông tin này qua Internet rất hạn chế vì nhiều quốc gia không có các trang thông tin về doanh nghiệp hoặc các trang web này không cho phép tiếp cận tự do.

Vì vậy, doanh nghiệp tại Việt Nam khó xác định được chính xác địa chỉ và tư cách pháp lý của bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu hồi nợ.

2. Rào cản ngôn ngữ

Việc sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể thể hiện ý kiến, quan điểm và yêu cầu bên nợ thanh toán. Tuy nhiên không phải bất cứ bên nợ nào cũng sử dụng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông khác. Bên nợ có khi chỉ sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga,… và không hiểu tiếng Anh. Khi đó, việc thu hồi nợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để các bên có thể truyền tải ý kiến của nhau, chưa kể rào cản ngôn ngữ sẽ dẫn đến những hiểu lầm khiến việc thu hồi nợ gặp khó khăn.

Tóm lại, việc thu hồi nợ sẽ không thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả như đối với các bên nợ sử dụng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt.

3. Khi nội dung Hợp đồng ký kết giữa các bên quy định cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài

Thông thường, việc giải quyết tranh chấp sẽ do các bên tự do thỏa thuận. Nếu trong Hợp đồng, các bên đã đồng ý với việc áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại một cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài thì sẽ không thể lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Trường hợp này, nếu phát sinh tranh chấp, bên có nợ cần thu hồi sẽ phải nghiên cứu các quy định pháp luật của quốc gia được chọn để giải quyết tranh chấp, cũng như phải thực hiện việc gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật của quốc gia đó để giải quyết tranh chấp. Bên có nợ cần thu hồi cũng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một Công ty luật tại quốc gia mà pháp luật của nước đó được chọn để giải quyết tranh chấp.

4. Việc khởi kiện tại nước ngoài rất tốn kém

Nếu các bên thỏa thuận nơi giải quyết tranh chấp là nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam muốn khởi kiện sẽ phải thực hiện các thủ tục tố tụng tại nước ngoài. Tuy nhiên, các chi phí để tiến hành khởi kiện tại nước ngoài tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền trong nước.

Do đó, tùy vào giá trị của khoản nợ, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc để lựa chọn có tiến hành việc khởi kiện tại nước ngoài hay không. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu về dịch vụ thu hồi nợ của các Công ty thu hồi nợ tại nước ngoài hoặc Công ty luật nước ngoài nơi mà bên nợ có trụ sở để việc thu hồi nợ đạt kết quả cao hơn. Các công ty thu hồi nợ hoặc Công ty luật tại nước ngoài nơi bên nợ có trụ sở có thể làm việc trực tiếp với bên nợ, dễ dàng trao đổi, tìm kiếm thông tin, không gặp trở ngại về ngôn ngữ và hiểu rõ về luật của quốc gia đó.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không thể tự tìm hiểu và ủy quyền cho công ty luật nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có thể ủy quyền cho công ty luật tại Việt Nam bởi hiện tại, một số công ty luật tại Việt Nam đã có mạng lưới hợp tác với các công ty luật nước ngoài. Việc trao đổi, tìm kiếm thông tin của bên nợ giữa các công ty luật Việt Nam và nước ngoài có thể thực hiện nhanh và hiệu quả hơn so với doanh nghiệp Việt Nam tự mình làm việc với công ty luật nước ngoài.

Có thể thấy việc thu hồi nợ đối với Bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài có rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự chuẩn bị từ đầu để hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra và chi phí thực hiện việc thu hồi nợ hiệu quả.

Trên đây là những kinh nghiệm của chúng tôi về những khó khăn của việc thu hồi nợ giữa doanh nghiệp Việt Nam và bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài. Hi vọng bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý hỗ trợ khách giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com