Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm được quy định tại chế định nghĩa vụ và hợp đồng của Bộ luật Dân sự. Người nhận bảo lãnh thực hiện thay một nghĩa vụ theo thỏa thuận phải thực hiện nghĩa vụ đó đối với người có quyền nếu chính người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp bảo lãnh.

1. Khái niệm bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Thỏa thuận bảo lãnh

• Bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

• Trường hợp bên bảo lãnh cam kết thực hiện công việc thay cho bên được bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với nghĩa vụ được bảo lãnh.

• Thỏa thuận về bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng về bảo lãnh, thư bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác.

3. Điều kiện có hiệu lực của bảo lãnh

Hợp đồng bảo lãnh được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng bảo lãnh cần tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự và luật chuyên ngành.

4. Phạm vi bảo lãnh

• Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

• Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

• Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

5. Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

• Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Bảo lãnh – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,