Skip to main content

Author: TNTP LAW

Lịch nghỉ tết dương lịch 2024

Năm cũ sắp qua đón năm mới đến, Công ty luật TNHH Quốc tế TNTP và Các cộng sự (“TNTP”) xin gửi lời cảm ơn Quý Đối tác, Quý Khách hàng đã luôn ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian qua.

TNTP xin trân trọng thông báo lịch nghỉ Tết dương lịch 2024:

👉 Thời gian nghỉ: 3 ngày, từ 30/12/2023 đến hết 01/01/2024

👉 Ngày làm việc lại: Thứ Ba, ngày 02/01/2024

Một lần nữa, TNTP bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự hỗ trợ và lòng tin mà Quý Đối tác, Quý Khách hàng đã dành cho chúng tôi trong suốt thời gian qua. Chúng tôi cam kết tiếp tục mang đến dịch vụ pháp lý chất lượng cao và giải quyết các vấn đền pháp lý của Quý vị một cách hiểu quả và chuyên nghiệp,

Nhân dịp năm mới, TNTP xin gửi đến Quý Khách hàng, Quý Đối tác lời chúc mừng năm mới, chúc mọi sự may mắn và thành công, chúc Quý vị có một kỳ nghỉ an lành và đón chào năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Trân trọng.

Bảo lãnh – Những nội dung cơ bản cần biết

Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm được quy định tại chế định nghĩa vụ và hợp đồng của Bộ luật Dân sự. Người nhận bảo lãnh thực hiện thay một nghĩa vụ theo thỏa thuận phải thực hiện nghĩa vụ đó đối với người có quyền nếu chính người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp bảo lãnh.

1. Khái niệm bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Thỏa thuận bảo lãnh

• Bên bảo lãnh có thể thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.

• Trường hợp bên bảo lãnh cam kết thực hiện công việc thay cho bên được bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với nghĩa vụ được bảo lãnh.

• Thỏa thuận về bảo lãnh có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng về bảo lãnh, thư bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác.

3. Điều kiện có hiệu lực của bảo lãnh

Hợp đồng bảo lãnh được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng bảo lãnh cần tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự và luật chuyên ngành.

4. Phạm vi bảo lãnh

• Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

• Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

• Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

5. Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

• Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Bảo lãnh – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Cách thức thu hồi nợ đối với “doanh nghiệp bỏ trốn”

Hiện nay, quy định của pháp luật chưa có các quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý doanh nghiệp bỏ trốn. Thực tế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, đặc biệt khi vẫn còn nợ thuế, nợ lương lao động, nợ các doanh nghiệp khác, đã và đang diễn ra khá phổ biến. Tại bài viết sau, bằng kinh nghiệm làm việc của mình, luật sư của TNTP sẽ đưa ra ý kiến về cách thức thu hồi nợ đối với “doanh nghiệp bỏ trốn”.

1. Quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi doanh nghiệp bỏ trốn

Hiện tại, chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế là đề cập đến khía cạnh doanh nghiệp bỏ trốn như sau: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Do đó có thể thấy quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về “Doanh nghiệp bỏ trốn”. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chủ doanh nghiệp bỏ trốn, từ khái niệm đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, cách giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, cũng như việc trả các khoản nợ liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, nợ tổ chức, cá nhân khác.

2. Thu hồi nợ doanh nghiệp bằng phương thức khởi kiện

Khi thực hiện việc thu hồi khoản nợ từ doanh nghiệp bỏ trốn việc liên hệ để thương lượng đàm phán nhằm thanh toán nợ thường khó khăn. Do đó, độc giả có thể xem xét khả năng nộp đơn khởi kiện thu hồi nợ tại các cơ quan có thẩm quyền, như Trung tâm Trọng tài hoặc Tòa án. Quá trình này phụ thuộc vào sự lựa chọn trong hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên, trường hợp các bên không có thỏa thuận Trọng tài thì Tòa án sẽ là nơi tiến giải quyết tranh chấp.

Độc giả cần xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với trường hợp không biết nơi cư trú hoặc làm việc của doanh nghiệp, độc giả có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có tài sản lần cuối cùng.

Trong những trường hợp bên nợ không có sự hợp tác hoặc bỏ trốn, phương án khởi kiện để thu hồi nợ sẽ hiệu quả khi có thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng thành công cao hơn thì độc giả có thể xem xét sử dụng dịch vụ hỗ trợ thu hồi nợ từ Công ty Luật hoặc luật sư chuyên nghiệp để đảm bảo tối đa quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình

Sau khi bản án tại Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị thi hành án không có mặt ở ơ cư trú, lẩn trốn thì độc giả có thể nộp đơn đề nghị thi hành án tới cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Khi đó Cơ quan này sẽ tiến hành các biện pháp đảm bảo thi hành án cần thiết như cưỡng chế, kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án.

3. Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Trong trường hợp hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó. Bản chất của việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp còn nợ là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ yêu cầu thủ tục phá sản để quyết định việc thanh lý tài sản của bên nợ nếu bên nợ không còn khả năng thanh toán khoản nợ. Khi đó, chủ nợ sẽ được ưu tiên thanh toán giá trị các phẩn tài sản được thanh lý của bên nợ.

Thủ tục phá sản có sự tham gia của tổ quản lý-thanh lý tài sản và Tòa án. Tuy nhiên khác với tranh chấp dân sự tại Tòa án khi chỉ có các bên liên quan là chủ nợ và bên nợ. Thủ tục phá sản đây là thủ tục trả nợ tập thể tài sản thanh lý được trả cho các chủ nợ theo thứ tự sau:

• Trong trường hợp Thẩm phán tuyên bố phá sản, việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ tuân theo thứ tự sau:

i)Chi phí phá sản.
ii) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa thuận lao động tập thể.
iii) Các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh.
iv) Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ và các khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản có bảo đảm không đủ thanh toán số nợ.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán, mỗi đối tượng có thứ tự ưu tiên sẽ được thanh toán tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Trên đây là bài viết về chủ đề “Cách thức thu hồi nợ đối với doanh nghiệp bỏ trốn” của TNTP, mong rằng bài viết này sẽ có ích với các độc giả.

Trân trọng,

Bùng nợ với công ty tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?

Hiện nay, có thể thấy nhiều hội, nhóm trên các mạng xã hội thực hiện hành vi lôi kéo và hướng dẫn nhiều người bùng nợ với công ty tài chính đã thu hút hàng trăm đến hàng nghìn thành viên tham gia. Hành vi này tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro pháp lý nào? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc: “Bùng nợ với công ty tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?”

1. Hành vi bùng nợ với công ty tài chính

Theo quy định của pháp luật, công ty tài chính là doanh nghiệp thuộc loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các doanh nghiệp này có chức năng cho vay, bao gồm cho vay trả góp và cho vây ngân hàng. Như vậy, dịch vụ cho vay tiền của các công ty tài chính là hoạt động được pháp luật cho phép và phải được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Việc bùng nợ với công ty tài chính là việc người vay đã lợi dụng quá trình xác thực hồ sơ cho vay đơn giản của các công ty tài chính qua hình thức trực tuyến, qua app hoặc việc lập hồ sơ cho vay với các điều kiện xác thực đơn giản như chỉ bằng số điện thoại hoặc thẻ căn cước công dân để thực hiện các hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay từ các công ty tài chính. Các hành vi có thể từ đơn giản là cung cấp số điện thoại từ sim rác, cố tình cung cấp thông tin sai lệch để đủ điều kiện hoàn tất hồ sơ vay, cho đến những hành vi tinh vi và phức tạp như làm giả giấy tờ, căn cước công dân để qua mặt các hệ thống cho vay app được thực hiện chủ yếu bằng trí thông minh nhân tạo. Các hành vi này đã được nhiều người thực hiện thành công và bị lan truyền với tốc độ rất nhanh trên các mạng xã hội, nhiều người còn coi đây là một cách để kiếm tiền nhanh chóng đang gây xôn xao dư luận hiện nay.

2. Tác động xấu tới các công ty tài chính và trật tự xã hội

Việc bùng nợ ngày càng nhiều ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính, nhiều người không phân biệt được việc cho vay của các công ty tài chính với hoạt động cho vay trái phép của các tổ chức tín dụng đen nên đã dẫn đến tình trạng cố tình bùng nợ. Đồng thời, việc xuất hiện nhiều App cho vay tiêu dùng mạo danh các công ty tài chính cũng đã khiến nhiều người có góc nhìn tiêu cực và sai lệch đối với công ty tài chính hoạt động đúng pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh hợp pháp của hệ thống công ty tài chính vốn đem lại nhiều lợi ích với xã hội.

Các hội nhóm bùng nợ hoạt động hoạt động ngày càng nhiêu đã dẫn đến rủi ro cho các công ty tài chính khi các công ty tài chính không thu hồi được tiền cho vay, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng kinh doanh cũng như doanh thu của các công ty tài chính. Điều này vô hình chung lại dẫn đến việc nhiều người thực sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ công ty tài chính nên sẽ có nguy cơ phải sử dụng dịch vụ của tín dụng đen vốn có lãi suất rất cao, hoạt động trái phép và tiềm ẩy nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

3. Rủi ro pháp lý khi bùng nợ

a) Trường hợp vi phạm pháp luật hình sự

Theo quy định tại Bộ luật hình sự thì hành vi sử dụng hành vi gian dối nhằm có được tài sản, hoặc có điều kiện trả nợ nhưng không trả có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt từ 06 tháng đến 20 năm tù tùy thuộc vào số tiền mà người vay đã bùng nợ.

Như vậy, việc người vay không có đủ điều kiện trả nợ trước khi vay chính nhưng vẫn khai báo không trung thực tại các công ty tài chính để nhận được tiền vay cũng có thể cầu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do việc khai báo không trung thực này được coi là hành vi gian dối.

Ngoài ra, việc nhiều người tuy không có hoàn cảnh khó khăn, có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố ý trốn tránh, đưa ra thông tin không đúng sự thật, hoặc làm giả giấy tờ để trốn tránh nghĩa vụ thanh toán cũng đuợc coi là thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, việc người bùng nợ thành lập các hội nhóm “chia sẻ” cách bùng nợ trên mạng xã hội cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về tội Đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự do có hành vi xúi giục, giúp sức người khác thực hiện tội phạm.

b) Trường hợp phát sinh tranh chấp dân sự

Trong trường hợp người vay không tiến hành các hành vi gian dối để bùng nợ nhưng do điều kiện và khả năng tài chính dẫn đến việc người này không có khả năng thanh toán khoản nợ thì sẽ không cấu thành các tội phạm hình sự nhưng sẽ làm phát sinh các tranh chấp pháp lý về dân sự đối với người vay.

Khi đó, các công ty tài chính có thể khởi kiện người vay về việc không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo nội dung hợp đồng vay, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cho vay đến cơ quan giải quyết tranh chấp như Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để ban hành Bản án/Quyết định buộc người vay phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Sau khi Bản án/Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ tiến hành giai đoạn Thi hành án, theo đó bên nợ sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.

Từ những nội dung trên, có thể thấy việc người vay tiền bùng nợ có thể dẫn đến các tranh chấp dân sự, hoặc thậm chí là bị xử lý hình sự. Do đó, mọi người cần có ý thực tuân thủ pháp luật, tuân thủ các giao dịch dân sự để bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng như lợi ích của chính mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Bùng nợ với công ty tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật? Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.”

Trân trọng,

TNTP TREKKING LÀO THẨN – HƠN CẢ MỘT CHUYẾN ĐI

Leo núi không chỉ là một hoạt động thể chất mà còn là một trải nghiệm tinh thần và đồng đội đầy ý nghĩa. Vừa qua, tập thể TNTP đã chinh phục thành công đỉnh núi được mệnh danh là nóc nhà Y Tý, đó chính là đỉnh núi Lảo Thẩn, cao 2.862m, thuộc thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.Việc TNTP quyết định thực hiện một chuyến leo núi không chỉ là một thách thức về thể chất mà còn là một trải nghiệm đội nhóm đầy ý nghĩa. Dù cho dọc đường đi những đôi chân mỏi nhừ như muốn dừng lại, dù cho lồng ngực thở dốc hết hơi thì hành trình của TNTP vẫn cứ tiếp tục…trong cái lạnh dưới 10 độ C nơi núi rừng biên ải.

Chuyến leo núi lần này không chỉ là việc mỗi cá nhân vượt qua những đỉnh cao mà còn là cơ hội để mọi người trong công ty hiểu rõ hơn về bản thân. Mỗi bước chân trên đỉnh núi không chỉ là một chiến thắng cá nhân mà còn là sự đồng lòng và gắn kết của cả tập thể đã động viên, đồng hành, giúp đỡ nhau trong suốt chuyến đi. Cảm giác vững vàng khi đặt chân lên đến đỉnh núi không chỉ đến từ sức mạnh cá nhân mà còn từ sự hỗ trợ và đồng lòng của cả tập thể.

TNTP tin rằng, qua chuyến đi leo núi lần này, chúng tôi đã xây dựng những cột mốc quan trọng trong sự phát triển và mối quan hệ trong đội ngũ nhân viên của TNTP.

#TNTPAttorneysAtLaw
#Trekking #LaoThan2862m

Doanh nghiệp cần làm gì nếu đối tác chậm thanh toán

Việc các đối tác chậm thanh toán, thanh toán không đúng hạn là điều các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải trong hoạt động kinh doanh. Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những quan điểm về những điều doanh nghiệp cần làm khi đối tác chậm thanh toán.

1. Thương lượng, yêu cầu bên nợ thanh toán

Khi một đối tác của doanh nghiệp không thanh toán khoản nợ đúng hạn, doanh nghiệp cần phải tác động để đối tác này biết để thực hiện việc thanh toán. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên liên hệ với đối tác để đưa ra đề nghị thanh toán, cũng như trao đổi về việc đối tác có thể sắp xếp thời hạn thanh toán ra sao nhằm thống nhất phương án thanh toán phù hợp nhất đảm bảo quyền lợi của các bên.

Các công việc trong quá trình thương lượng rất đa dạng, từ việc gọi điện thoại, gặp trực tiếp hoặc gửi văn bản yêu cầu với bên nợ chậm thanh toán. Các công việc trên có thể được triển khai nhiều lần hoặc định kỳ theo tuần hoặc tháng tùy theo giá trị khoản nợ, cũng như mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác để đảm bảo hiệu quả thực hiện.

Việc thương lượng, yêu cầu thanh toán còn nhằm mục đích thăm dò thái độ thiện chí thanh toán của bên nợ, bên nợ có thái độ không hợp tác, tiếp tục chây ỳ hoặc không phản hồi về việc trả nợ thì doanh nghiệp nên cân nhắc tiến hành việc khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình.

2. Khởi kiện thu hồi nợ

Việc khởi kiện được thực hiện ngay khi doanh nghiệp xác định được bên nợ vẫn có khả năng thanh toán, còn tài sản nhưng không thiện chí trả nợ. Để thực hiện việc khởi kiện, doanh nghiệp cần nộp đơn khởi kiện đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu các cơ quan này buộc đối tác chậm thanh toán phải thanh toán khoản nợ theo quy định của pháp luật.

Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào nội dung của Hợp đồng/thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đối tác, nếu nội dung của Hợp đồng/thỏa thuận có quy định về việc lựa chọn Trọng tài thương mại giải quyết thì doanh nghiệp phải nộp Đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài thương mại có thẩm quyền. Ngược lại, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng/thỏa thuận thì doanh nghiệp sẽ nộp Đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Sau khi xem xét đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ doanh nghiệp đã nộp, các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể xem xét ban hành Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết có hiệu lực pháp luật. Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết này có thể được cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành, khi đó cơ quan thi hành án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm buộc đối tác phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán , cũng như các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu mở thủ tục phá sản

Đây là một biện pháp tương tự với việc khởi kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, khác biệt cơ bản là đối tác có thể bị tuyên bố phá sản và mọi tài sản của đối tác có thể bị kê biên, thanh lý để thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đối với doanh nghiệp.

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định về người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo đó, trường hợp đối tác không hợp tác thanh toán khi hết hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn thì doanh nghiệp là chủ nợ hoàn toàn có thể nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền xem xét để tiến hành thủ tục nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với đối tác này. Sau khi tòa án chấp nhận và ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán và Quản tài viên phụ trách vụ việc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để quản lý, thanh lý tài sản và phân chia tài sản còn lại của đối tác cho doanh nghiệp cũng như các nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện như nghĩa vụ thuế, nợ lương, bảo hiểm xã hội hoặc các nghĩa vụ tài chính khác với cơ quan nhà nước.

Từ những nội dung trên, có thể thấy doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để giải quyết các khoản nợ với đối tác, tùy thuộc vào mục đích và khả năng thực hiện mà doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trên đây là quan điểm của luật sư TNTP về chủ đề: “Doanh nghiệp cần làm gì nếu đối tác chậm thanh toán”. Mong rằng bài viết này đem lại lợi ích cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng

Những kinh nghiệm để quản trị công nợ trong doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các tổ chức luôn cần có sự quản trị một cách thống nhất, rõ ràng để doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh đã đặt ra. Tuy nhiên có một hoạt động rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp cũng cần được lưu ý là hoạt động quản trị công nợ. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của hoạt động quản trị công nợ và những kinh nghiệm để quản trị công nợ trong doanh nghiệp.

1. Quản trị công nợ là gì

Quản trị là hoạt động điều hành, định hướng và quản lý các công việc để đạt được mục tiêu đã đề ra, tương tự với định nghĩa này, hoạt động quản trị công nợ bao gồm việc xác định mục tiêu của việc thu hồi nợ, lên kế hoạch thực hiện và quản lý hoạt động thu hồi nợ của doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Nhiều quan điểm cho rằng quản trị và quản lý công nợ có sự tương đồng, tuy nhiên quản lý công nợ cũng chỉ là một giai đoạn của quản trị công nợ, vì toàn bộ quá trình quản trị công nợ được trải dài từ việc lên kế hoạch, định hướng, phân công, quản lý các khoản nợ một cách thống nhất, rõ ràng để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nói cách khác, hoạt động quản trị công nợ cần thiết và quan trọng tương đương với quản trị kinh doanh của doanh nghiệp và đều nhằm mục đích duy trì lợi nhuận, dòng tiền và sự ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp.

2. Các bước quản trị công nợ.

a) Xác định mục tiêu

Mục tiêu rõ ràng và quan trọng nhất của quản trị công nợ là kiểm soát, hạn chế nợ xấu và thu hồi nhanh chóng, hiệu quả công nợ của doanh nghiệp, vì bất cứ một khoản nợ nào cũng sẽ trở thành gánh nặng tài chính của doanh nghiệp. Nếu không có sự tổ chức, sắp xếp và xác định mục tiêu họ lý thì không thể xử lý nợ một cách hiệu quả.

Tuy mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hồi nợ là buộc bên nợ phải thanh toán, cũng có những mục tiêu quan trọng không kém khác như duy trì mối quan hệ với các bên nợ để đảm bảo duy trì hoạt động ngay khi vẫn phát sinh nợ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cần phân loại các khoản nợ theo các tiêu chí khác nhau để có thể thực hiện thu hồi nợ theo những mục tiêu khác nhau của quá trình quản trị công nợ.

b) Phân loại công nợ

Như đã đề cập ở trên, không phải bất cứ khoản nợ nào của doanh nghiệp cũng buộc phải thu hồi nhanh chóng vì một số bên nợ có thể là đối tác lâu năm hoặc đối tác chiến lược của doanh nghiệp. Khi đó mục tiêu duy trì và phát triển mối quan hệ sẵn có với các bên nợ này sẽ quan trọng hơn việc thu hồi nợ nhanh chóng nhưng có thể gây dẫn đến rạn nứt các mối quan hệ này. Do đó, để thực hiện quản trị công nợ hiệu quả, doanh nghiệp cần phân loại các khoản nợ thành các nhóm với các mục tiêu cụ thể khác nhau, ví dụ các bên nợ với thời gian phát sinh nợ lâu và không hợp tác thanh toán có thể được phân loại thành nhóm nợ xấu, với nhóm nợ xấu thì mục tiêu sẽ là thu hồi công nợ bằng mọi biện pháp được pháp luật cho phép một cách hiệu quả; còn với các bên nợ mà doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và khoản nợ phát sinh của nhóm này có tỷ lệ không đáng kể nếu so với giá trị lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp có thể phân loại bên nợ này thành nhóm nợ lưu ý và chỉ tiến hành việc trao đổi, thương lượng để thu hồi nợ với mục tiêu đảm bảo cả duy trì mối quan hệ và “nhắc nhở” về việc thanh toán nợ.

c) Quản lý hoạt động thu hồi nợ

Cũng như mọi hoạt động khác trong kinh doanh, hoạt động thu hồi nợ cũng cần được quản lý để đảm bảo mọi công việc phải được tiến hành hợp lý, đúng pháp luật và đem lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp. Việc quản lý thể hiện ở việc chỉ đạo, sắp xếp công việc, phân công công việc và giám sát các hoạt động thu hồi nợ được thực hiện theo đúng mục đích đã đề ra. Nếu không có sự quản lý tốt, hoạt động thu hồi nợ của doanh nghiệp sẽ tiến hành rất khó khăn do không thể nắm được tiến trình vụ việc, các công việc thu hồi nợ đã thực hiện, dẫn đến chất lượng thu hồi nợ không đảm bảo, gây lãng phí nhân lực và nguồn tiền của doanh nghiệp mà không đạt được mục đích đã đặt ra. Do đó, quản lý hoạt động thu hồi nợ là một yếu tố quan trọng của quản trị công nợ.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Những kinh nghiệm để quản trị công nợ trong doanh nghiệp”. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,

Thông báo lịch nghỉ du lịch năm 2023 của TNTP

Kính gửi các Quý Khách hàng và các Quý Đối tác,

Lời đầu tiên, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các Cộng sự (“TNTP”) chân thành cảm ơn các Quý khách hàng, các Quý đối tác đã hợp tác và đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua.

Theo đây, TNTP thông báo tới các Quý Khách hàng và các Quý Đối tác thông báo lịch nghỉ du lịch năm 2023 của Công ty như sau:

• Thời gian nghỉ: Từ 06/12/2023 đến 08/12/2023;
• Thời gian làm việc trở lại: Thứ hai, ngày 11/12/2023.

Trong thời gian này, TNTP vẫn bố trí nhân sự để hỗ trợ và giải đáp các vấn đề của các Quý Khách hàng và các Quý đối tác. Trường hợp chúng tôi phản hồi chậm trễ, kính mong Quý Khách hàng và Quý đối tác thông cảm cho TNTP.

TNTP trân trọng thông báo tới các Quý Khách hàng và các Quý Đối tác được biết để thuận tiện trong việc liên hệ và làm việc.

Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các Quý Khách hàng và các Quý Đối tác.

Trân trọng cảm ơn!

Chế tài trong thương mại: Hủy bỏ hợp đồng

Hủy bỏ hợp đồng là trường hợp chấm dứt hợp đồng theo ý chí đơn phương của một bên, tuy nhiên vì mang tính “hồi tố” nên hủy bỏ hợp đồng là trường hợp phức tạp hơn và cũng chính vì vậy, hủy bỏ hợp đồng được pháp luật quy định một cách chặt chẽ. Để giúp các bên có thể vận dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng phù hợp với mục đích của mình và quy định pháp luật, trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung mà các bên cần lưu ý khi áp dụng chế tài này.

1. Khái niệm hủy bỏ hợp đồng

Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

2. Căn cứ áp dụng hủy bỏ hợp đồng

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của LTM (“Luật Thương mại năm 2005”), các bên được hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

• Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng. Tùy thuộc vào loại hợp đồng và mục đích mà các bên hướng tới khi giao kết hợp đồng mà các bên có thể thỏa thuận những hành vi vi phạm được cho là điều kiện để mỗi bên được hủy bỏ hợp đồng.

• Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Trong những hợp đồng cụ thể, các bên cần xem xét mục đích của các bên khi tham gia hợp đồng là gì, hành vi vi phạm là gì, có ảnh hưởng đến mục đích khi giao kết hợp đồng của bên kia hay không. Nếu hành vi vi phạm đó ảnh hưởng trực tiếp và làm cho bên kia không đạt được mục đích của mình khi tham gia hợp đồng thì đó được coi là vi phạm cơ bản.

3. Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng

• Trừ trường hợp huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

• Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

• Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng.

4. Nghĩa vụ thông báo khi hủy bỏ hợp đồng

Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại. Mặc dù luật không quy định cụ thể về hình thức của thông báo, tuy nhiên các bên nên thông báo bằng văn bản hoặc email. Trong trường hợp tranh chấp được giải quyết tại cơ quan tài phán, thông báo này sẽ được coi là một chứng cứ mà các bên cần trình nộp cho cơ quan tài phán.

5. Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần

• Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ.

• Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý.

• Trường hợp một bên đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ thì bên đó vẫn có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hoá đã giao, dịch vụ đã cung ứng không thể được sử dụng theo đúng mục đích mà các bên đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Trên đây là bài viết “Chế tài trong thương mại: Hủy bỏ hợp đồng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Bảo lưu quyền sở hữu – Những nội dung cơ bản cần biết

Bộ luật Dân sự 2015 quy định bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc hình thành và áp dụng biện pháp bảo đảm này trên thực tế phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng mua bán tài sản mà không hình thành thông qua hành vi pháp lý, ý chí đơn phương của một bên chủ thể. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.

1. Khái niệm bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó các bên trong hợp đồng mua bán tài sản thỏa thuận về việc bên bán (bên nhận bảo đảm) được quyền giữ lại quyền sở hữu đối với tài sản trong hợp đồng mua bán đến khi bên mua (bên bảo đảm) thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán của mình trong hợp đồng mua bán tài sản đã giao kết.

2. Hình thức xác lập và hiệu lực đối kháng

Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) quy định cụ thể về hình thức của bảo lưu quyền sở hữu, theo đó bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu chỉ trở thành biện pháp bảo đảm nếu các bên có thỏa thuận xác lập và việc xác lập đó được ghi nhận thông qua hình thức văn bản.

Đồng thời, biện pháp bảo đảm này chỉ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Trong trường hợp các bên đã xác lập với nhau một hợp đồng mua trả chậm, trả dần nhưng không có thỏa thuận về bảo lưu quyền sở hữu thì bảo lưu quyền sở hữu được coi là quyền mặc nhiên theo luật định của bên bán trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần đó, bởi quyền bảo lưu của bên bán đã được luật quy định (Khoản 1 Điều 453 BLDS).

3. Quyền, nghĩa vụ của bên mua tài sản

Bên mua tài sản có quyền, nghĩa vụ sau:

• Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

• Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực;

• Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản mua

• Trường hợp bên mua phải trả lại tài sản mua cho bên bán do vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng tại thời điểm hoàn trả, giá trị tài sản lớn hơn giá trị tài sản ban đầu do bên mua hoặc bên thứ ba đã đầu tư làm tăng giá trị tài sản thì bên bán phải hoàn lại giá trị chênh lệch cho người đã đầu tư vào tài sản.

Việc đầu tư vào tài sản mua phải phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

• Bên mua không phải chịu trách nhiệm về hao mòn tự nhiên của tài sản được bảo lưu quyền sở hữu.

5. Chuyển giao quyền, nghĩa vụ về bảo lưu quyền sở hữu

• Bên bán chuyển giao quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền thì quyền bảo lưu quyền sở hữu cũng được chuyển cho bên nhận chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán tiền.

• Bên mua mà bán hoặc chuyển giao khác về quyền đối với tài sản mua sau khi bảo lưu quyền sở hữu được đăng ký thì người mua lại, người nhận chuyển giao quyền đối với tài sản mua phải kế thừa nghĩa vụ về bảo lưu quyền sở hữu.

6. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong;

• Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu;

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Bảo lưu quyền sở hữu – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự