Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc một doanh nghiệp không thể trả nợ và mở thủ tục phá sản là điều không hiếm gặp. Khi một bên nợ lâm vào tình trạng phá sản, quyền lợi của các chủ nợ thường bị đe dọa. Để bảo vệ quyền lợi này, pháp luật Việt Nam cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bài viết này TNTP sẽ phân tích về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khi bên nợ mở thủ tục phá sản, nhằm giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan.
1. Khái niệm biện pháp khẩn cấp tạm thời
Biện pháp khẩn cấp tạm thời là những biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu không áp dụng kịp thời sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc khó khắc phục cho đương sự, hoặc gây cản trở cho việc giải quyết vụ án.
2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thủ tục phá sản
Pháp luật Việt Nam quy định một số biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng khi bên nợ mở thủ tục phá sản. Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 70 Luật Phá sản 2014 gồm:
(i) Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác
(ii) Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
(iii) Phong toả tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
(iv) Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã.
(v) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
(vi) Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
(vii) Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định.
(viii) Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
(ix) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.
Mỗi biện pháp khẩn cấp tạm thời đều có vai trò và ứng dụng phù hợp với từng vụ việc nhằm đảm bảo các quy trình phá sản được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả nhất.
3. Quy trình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
a. Đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
• Đối tượng có quyền đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Phá sản gồm: (i) Người có quyền, nghĩa vụ đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; (ii) Quản tài viên; (iii) Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
• Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có văn bản yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân có có thẩm quyền. Và văn bản yêu cầu phải có những thông tin sau: (i) Ngày, tháng, năm; (ii) Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iii) Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iv) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (v) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Như vậy, các chủ nợ đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, trong nội dung đơn đề nghị phải nêu rõ lý do và các căn cứ chứng minh sự cần thiết của biện pháp khẩn cấp tạm thời.
b. Quyết định của Tòa án
Sau khi nhận được đơn đề nghị, Tòa án sẽ xem xét và quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định của Tòa án phải được đưa ra nhanh chóng để đảm bảo kịp thời bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
4. Ý nghĩa của biện pháp khẩn cấp tạm thời
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giúp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản hoặc thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp nợ. Điều này đảm bảo rằng tài sản của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thanh toán nợ cho các chủ nợ.
5. Lưu ý
• Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
• Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ phải nộp cho Tòa án một trong những bảo đảm sau: (i) chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoặc (ii) gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định. Nhưng giá trị bảo đảm này phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây ra.
Giá trị bảo đảm sẽ do Tòa án đưa ra, nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản.
Trường hợp người yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì người đó phải thanh toán các chi phí thực tế do việc thi hành quyết định đó. Khoản tiền đặt trước được đối trừ, tài sản bảo đảm bị xử lý để thanh toán nghĩa vụ.
Do vậy, để đảm bảo việc đề nghị được thực hiện chính xác từ việc lựa chọn biện pháp áp dụng đến căn cứ đề nghị phù hợp và chính xác, quý độc giả nên tham vấn ý kiến của chuyên gia pháp lý hoặc luật sư. Đây là những người có kiến thức chuyên sâu về quy trình phá sản và các biện pháp pháp lý liên quan, từ đó có thể cung cấp thông tin và hướng dẫn chi tiết về các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như cách thức lựa chọn và lập căn cứ đề nghị phù hợp.
Việc tư vấn của chuyên gia pháp lý không chỉ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình phá sản, mà còn giúp họ đưa ra quyết định thông minh và có lợi nhất cho mình. Đồng thời, sự tư vấn của chuyên gia còn giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý và đảm bảo rằng quy trình phá sản diễn ra theo đúng quy định pháp luật.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi bên nợ mở thủ tục phá sản”. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các độc giả.
Trân trọng,