Bên cạnh các văn bản pháp luật, án lệ cũng là một trong những nguồn pháp luật quan trọng được sử dụng để giải quyết hiệu quả các tranh chấp dân sự tại Việt Nam hiện nay. Tính đến tháng 9/2024, Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố 72 án lệ trong nhiều lĩnh vực như dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động,… góp phần “gỡ rối” nhiều vấn đề pháp lý, thống nhất đường lối xét xử của các Tòa án. Vậy trường hợp nào có thể áp dụng án lệ? Trong bài viết này, TNTP sẽ gửi đến bạn đọc các kiến thức về “Áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp dân sự”.
1. Án lệ là gì?
Án lệ là những lập luận, phán quyết được ghi nhận trong bản án, quyết định đã phát sinh hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Những lập luận, phán quyết này cần phải có tính chuẩn mực, làm rõ quy định chưa rõ ràng của pháp luật, đồng thời, chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật khi xét xử.
Tranh chấp dân sự xảy ra khi các bên trong giao dịch nảy sinh các bất đồng, mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích trong quan hệ dân sự (gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản). Áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự là việc Tòa án áp dụng án lệ đã được công bố để giải quyết những vụ án dân sự có tình huống pháp lý tương tự. Việc áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp giúp gợi mở hướng giải quyết vụ án một cách thỏa đáng, đảm bảo công bằng về quyền và lợi ích cho các bên khi tham gia tố tụng, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
2. Áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp dân sự
Việc áp dụng án lệ phải tuân theo các nguyên tắc và điều kiện sau:
2.1 Nguyên tắc áp dụng án lệ
– Áp dụng án lệ có căn cứ, lý do xác đáng: Án lệ đã được chọn để áp dụng có các căn cứ xác đáng, các tình tiết, có nội dung tương tự với vụ việc mà Thẩm phán đang giải quyết.
– Nguyên tắc đảm bảo đúng, công bằng với các trường hợp cụ thể: Các Thẩm phán cần áp dụng án lệ chính xác, công bằng, đảm bảo mọi vụ án có hành vi, tình tiết như nhau phải được áp dụng các tình tiết trong án lệ như nhau.
– Nguyên tắc tuân thủ án lệ khi có tình huống pháp lý tương tự: Trong quá trình giải quyết vụ án, các Thẩm phán phải đảm bảo các vụ việc tương tự, có tình huống pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau và phải ghi rõ lập luận trong bản án. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, các Thẩm phán cần tuân thủ các nguyên tắc áp dụng án lệ khi giải quyết tranh chấp dân sự để các vụ việc có tình tiết pháp lý tương đồng được giải quyết giống nhau, đảm bảo công bằng cho các bên có tranh chấp tại Tòa án.
2.2 Điều kiện áp dụng án lệ
Căn cứ Khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc áp dụng án lệ để giải quyết tranh chấp dân sự cần đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, không có điều luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hoặc nội dung của điều luật chưa đủ cơ sở để áp dụng trên thực tế hoặc điều luật còn nhiều cách hiểu khác nhau.
– Thứ hai, không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh.
– Thứ ba, án lệ đã phát sinh hiệu lực được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTT, án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Như vậy, trong trường hợp án lệ được công bố hoặc ghi trong quyết định công bố án lệ chưa đủ 30 ngày thì các Thẩm phán không được lựa chọn áp dụng án lệ đó để giải quyết tranh chấp.
– Thứ tư, án lệ được áp dụng còn hiệu lực. Trong trường hợp sau khi án lệ được công bố mà phát sinh việc thay đổi của các văn bản pháp luật dẫn đến việc án lệ không còn phù hợp để áp dụng thì án lệ sẽ bị hủy bỏ và không còn hiệu lực như một nguồn pháp luật bổ sung.
– Thứ năm, án lệ chỉ được áp dụng để giải quyết đối với các vụ án dân sự có tính chất tương tự nhằm đảm bảo các vụ việc có tình huống pháp lý giống nhau phải được giải quyết giống nhau.
Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp dân sự”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.
Trân trọng,