Trong thực tiễn, khi giao kết mua bán hàng hóa, dịch vụ với bên cung cấp, người tiêu dùng hay bắt gặp trong Hợp đồng (thường là Hợp đồng theo mẫu) có điều khoản lựa chọn Trọng tài làm nơi giải quyết tranh chấp khi có phát sinh. Thậm chí có Hợp đồng quy định cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài nước ngoài. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra và người tiêu dùng mong muốn đưa tranh chấp tới Tòa án có thẩm quyền giải quyết thì cơ sở pháp lý nào để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi điều khoản giải quyết tranh chấp Hợp đồng theo mẫu quy định là cơ quan khác. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích và làm rõ hơn về nội dung của Án lệ số 42/2021/AL nhằm đưa ra cách xử lý và áp dụng cho các vụ án tương tự khác trong thực tiễn xét xử.

1. Tóm tắt vụ việc

a) Ngày 26/02/2017, bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 với Công ty TNHH Khu du lịch V. Theo đó, giá trị hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là 388.110.000đ; tuần nghỉ: Tuần thứ 16; Loại căn hộ nghỉ: Loại A.

b) Tính đến ngày 15/3/2017, bà Nguyễn Thị Long T, ông Nguyễn Hoàng S đã đặt cọc 300.488.000đ.

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, do thời gian eo hẹp nên bà T, ông S không đọc kỹ hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã giao kết. Đến ngày 26/4/2017, sau khi nhận được thư điện tử từ Công ty TNHH Khu du lịch V, bà Nguyễn Thị Long T, ông Nguyễn Hoàng S xem kỹ lại hợp đồng đã giao kết thì thấy có những điều khoản của Hợp đồng không hợp lý, nên đã chủ động đề nghị chấm dứt hợp đồng, nhưng không được phía Công ty TNHH Khu du lịch V chấp nhận.

d) Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S đã khởi kiện tại Tòa án với nội dung: Đề nghị Tòa án tuyên bố Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 vô hiệu và hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S số tiền đã nộp là 300.488.000đ. Lý do cụ thể:

• Công ty TNHH Khu du lịch V lừa dối khách hàng như mở hội thảo về du lịch nhưng không thực hiện nội dung chương trình hội thảo; về chủ đầu tư dự án là tỷ phú người Isarel, ông I; về vốn đầu tư để tạo tin tưởng cho những người muốn mua sở hữu kỳ nghỉ ký hợp đồng và đặt cọc.

• Công ty TNHH Khu du lịch V quảng cáo sản phẩm được thiết kế theo mô hình đã được giải thưởng Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng khi xây dựng không theo mô hình đã được quảng cáo; giữa mô hình quảng cáo và mô hình thực tế là không như nhau; căn hộ du lịch chỉ thiết kế cho hai người, nhưng quảng cáo căn hộ dành cho 5 người; dự án tọa lạc tại Nha Trang.

• Công ty TNHH Khu du lịch V vi phạm điều cấm của pháp luật là doanh nghiệp có vốn đầu tư của người nước ngoài không được phép đưa người Việt Nam ra nước ngoài; định đoạt tiền đặt cọc khi không thuộc sở hữu của mình.

• Tiến độ xây dựng và đưa công trình vào hoạt động chính thức chậm so với cam kết, gây thiệt hại cho những người đã mua sở hữu kỳ nghỉ.

g) Theo bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn, bà Phạm Thị Kiều H, trình bày:

• Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 có hình thức và nội dung của hợp đồng hoàn toàn hợp pháp. Người giao kết hợp đồng đủ năng lực và thẩm quyền, không bị ép buộc và đã tự nguyện ký vào hợp đồng này.

• Những lý do mà nguyên đơn đưa ra làm căn cứ để cho rằng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 vô hiệu, Công ty TNHH Khu du lịch V không đồng ý. Lý do như sau:

– Thứ nhất, nguyên đơn cho rằng Công ty lừa dối người tiêu dùng là nhận định sai lệch dựa trên ý kiến chủ quan. Công ty khẳng định không hề bịa đặt hay cung cấp các thông tin sai sự thật tới người tiêu dùng. Công ty TNHH V có 02 thành viên góp vốn gồm ông Dương Tuấn A và Công ty E. Trong đó Công ty E nằm trong các doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát và sở hữu bởi ông I và các doanh nghiệp của ông. Như vậy, ông I là một nhà đầu tư của Công ty, thực hiện đầu tư thông qua các Công ty thuộc quyền kiểm soát của ông.

– Thứ hai, tại buổi giới thiệu, Công ty đã giải thích rõ đây là hoạt động mua kỳ nghỉ dưỡng, không phải là mua bất động sản nên không có chuyện gây nhầm lẫn về hợp đồng; khi làm việc với khách hàng Công ty giải thích và ghi rõ trong hợp đồng là mua kỳ nghỉ thứ bao nhiêu, ở loại khách sạn nào.

– Thứ ba, Công ty không thực hiện việc đưa khách hàng ra nước ngoài, ở đây là, nếu khách hàng nghỉ dưỡng không thích ở trong nước thì có thể trao đổi với nhau các kỳ nghỉ với khách hàng khác để ra nước ngoài nghỉ. Đây chỉ là hoạt động của khách hàng, Công ty không hề kinh doanh hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài du lịch mà chỉ thực hiện hỗ trợ khách hàng.

– Thứ tư, về khoản tiền đặt cọc, pháp luật không hạn chế thỏa thuận về sử dụng tiền cọc. Mục đích sử dụng tiền đặt cọc của Công ty không vi phạm điều cấm của pháp luật.

– Thứ năm, về tiến độ xây dựng và ngày Khai trương chính thức đã quy định rõ tại Điều 8 của Hợp đồng, là 36 tháng kể từ ngày ban hành giấy phép xây dựng cuối cùng của dự án và được quyền gia hạn thêm 6 tháng. Hiện tại, Giấy phép cuối cùng được cấp vào tháng 10/2018.

– Nếu nguyên đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã giao kết, phía bị đơn có thể xem xét giảm giá hoặc hỗ trợ một số quyền lợi khác.

2. Nhận định của Tòa án

2.1. Tại điều 12.3 của Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017, các bên có thỏa thuận chọn cơ quan và phương thức giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) theo các quy tắc trọng tài của SIAC có hiệu lực tại thời điểm giải quyết tranh chấp.

2.2. Tuy nhiên, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được:

“Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp”.

2.3. Nội dung Án lệ: Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 thuộc loại hợp đồng soạn sẵn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, soạn sẵn quy định thỏa thuận trọng tài, nay nguyên đơn là người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài và yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang giải quyết là phù hợp Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang thụ lý và giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền theo khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự và còn trong thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự.

2.4. Theo nội dung Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017, nguyên đơn đã đăng ký mua kỳ nghỉ tuần thứ 16, loại căn hộ nghỉ dưỡng là A; thời gian bắt đầu từ năm có ngày khai trương chính thức đến hết thời hạn Dự án. Ông Nguyễn Hoàng S và bà Nguyễn Thị Long T có thể bán hoặc chuyển nhượng cho người khác hoặc được trao đổi kỳ nghỉ tại một số nơi trên thế giới (Quyền nghỉ dưỡng tùy chọn). Người mua phải nộp tiền nhiều đợt theo tiến độ xây dựng dự án. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S đã thanh toán được 03 đợt tiền đặt cọc với số tiền 310.488.000đ (được ưu đãi 10.000.000đ).

2.5. Ngày khai trương chính thức được xác định theo Điều 8 của Hợp đồng. Đó là, trong vòng 36 tháng kể từ ngày ban hành giấy phép xây dựng cuối cùng và được gia hạn thêm 6 tháng, Công ty sẽ gửi thông báo hoàn thành cho khách hàng.

2.6. Ngoài ra, hàng năm kể từ ngày khai trương chính thức, khách hàng phải thanh toán phí duy trì hay phí quản lý theo Điều 3 của Phụ lục C kèm theo hợp đồng quy định quyền, nghĩa vụ các bên, các điều khoản về thanh toán, đặt cọc, chuyển nhượng và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

2.7. Hội đồng xét xử nhận thấy:

• Quá trình đầu tư và thực hiện dự án, Công ty TNHH Khu du lịch V đã tổ chức các buổi giới thiệu về mô hình nghỉ dưỡng tại một số địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

• Nguyên đơn là một trong số nhiều khách hàng được Công ty TNHH Khu du lịch V mời tham gia sự kiện ngày 26/02/2017.

• Tại buổi sự kiện, nguyên đơn đã trực tiếp giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 với Công ty TNHH Khu du lịch V. Và tính đến ngày 15/3/2017 nguyên đơn đã thanh toán tiền đặt cọc 310.488.000đ, trong đó được hưởng chính sách ưu đãi 10.000.000đ, số tiền thực nộp là 300.488.000đ.

• Trong thời gian chờ ngày khai trương chính thức, nguyên đơn cho rằng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 có nhiều nội dung quy định không phù hợp, gây thiệt hại đến quyền lợi của nguyên đơn nên đã nhiều lần gặp phía Công ty TNHH Khu du lịch V nhằm thương thảo chấm dứt hợp đồng, nhưng không được phía Công ty TNHH Khu du lịch V đáp ứng. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện và yêu cầu Tòa án xem xét tuyên bố Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 vô hiệu với những lý do bị lừa dối, bị nhầm lẫn, vi phạm điều cấm của pháp luật, chậm tiến độ đưa công trình vào sử dụng.

2.8. Xét rằng:

• Trước hết, cần nhận thức rằng đây là một khái niệm sở hữu mới tại Việt Nam, trong đó người sở hữu được thực hiện quyền của mình trong khoảng thời gian nhất định (07 ngày) tại nơi đã mua kỳ nghỉ. Nó không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản. Sở hữu bất động sản vẫn thuộc chủ đầu tư là Công ty TNHH Khu du lịch V trong thời gian được cấp giấy phép hợp lệ.

Như vậy, sở hữu kỳ nghỉ mà ông Nguyễn Hoàng S và bà Nguyễn Thị Long T đã đặt cọc để giữ chỗ được coi là một loại (quyền) tài sản hình thành trong tương lai. Nhưng sau thời điểm giao kết hợp đồng, khi Khu du lịch được đưa vào sử dụng chính thức mới thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hoàng S và bà Nguyễn Thị Long T. Việc các bên giao dịch đặt cọc, giữ chỗ để được sở hữu kỳ nghỉ (thực hiện hợp đồng) phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 108, Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015.

• Công ty TNHH V có 02 thành viên góp vốn gồm Công ty E và ông Dương Tuấn A. Trong đó, Công ty E nằm trong các doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát và sở hữu bởi ông I và các doanh nghiệp của ông. Như vậy, ông I là một nhà đầu tư (không phải chủ đầu tư) của Công ty, thực hiện đầu tư thông qua các Công ty thuộc quyền kiểm soát của ông là có thật.

• Vấn đề thiết kế mô hình đã được sự chấp nhận thay đổi của UBND tỉnh Khánh Hòa tại Công văn số 3590/UBND-XDNĐ ngày 27/5/2016 và đã được thông báo đến khách sở hữu kỳ nghỉ.

• Khi tham gia sự kiện và chính thức giao kết hợp đồng, người tham gia giao kết phải biết mình tham gia sự kiện gì, ký hợp đồng gì, nơi mình đầu tư nằm ở đâu? Địa điểm nơi xây dựng Khu du lịch được Công ty TNHH Khu du lịch công khai; trên các tài liệu, giấy tờ giao dịch cũng thể hiện địa điểm của khu ALMA Nha Trang. Không thể nói Công ty TNHH Khu du lịch V sử dụng tên gọi ALMA Nha Trang hay thư mời hội thảo lại chuyển sang giới thiệu mô hình và sản phẩm là một sự lừa dối khách hàng được.

Từ đó, không có chứng cứ cho thấy một trong các bên giao kết hợp đồng bị lừa dối như quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 và các phụ lục kèm theo hợp đồng phát sinh hiệu lực.

• Quy định tại khoản 4.4 Điều 4 của Hợp đồng về Quyền nghỉ dưỡng tùy chọn, Mục 2 Phụ lục B điều khoản và điều kiện của các quyền nghỉ dưỡng thực chất là trao đổi sở hữu kỳ nghỉ tại các Khu nghỉ dưỡng khác trên toàn thế giới, hoạt động dưới cùng cách thức như tại Khu nghỉ dưỡng, cùng tham gia mạng lưới trao đổi.

• Thực tế, nếu khách nghỉ dưỡng không nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng mình đã mua sở hữu kỳ nghỉ thì có thể trao đổi kỳ nghỉ với khách nghỉ dưỡng khác, kể cả nghỉ dưỡng ở nước ngoài. Đây là hoạt động của khách nghỉ dưỡng lựa chọn cơ hội nghỉ dưỡng thay thế từ một loạt các cơ hội nghỉ dưỡng mà Công ty trao đổi có thể cung cấp. Công ty TNHH Khu du lịch V không kinh doanh hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài du lịch, mà chỉ thực hiện hỗ trợ khách nghỉ dưỡng trong việc kết nối các địa điểm du lịch.

Phía nguyên đơn cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh Công ty TNHH Khu du lịch V đã đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp.

• Theo quy định tại khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017, khoản 2.2 Điều 2 Phụ lục C kèm theo Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 quy định về tiền đặt cọc, tiến độ thanh toán thì khoản tiền mà ông Nguyễn Hoàng S và bà Nguyễn Thị Long T đã thanh toán là tiền đặt cọc. Khi và chỉ khi sau ngày khai trương chính thức số tiền đã nộp mới chuyển thành một phần của khoản thanh toán.

Như vậy, khoản tiền đặt cọc của ông Nguyễn Hoàng S, bà Nguyễn Thị Long T là nhằm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015.

• Ngay phần trang bìa của Hợp đồng đã xác định “sở hữu kỳ nghỉ”, Điều 3 Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 ngày 26/02/2017 ghi “Khách nghỉ dưỡng, theo hợp đồng này đồng ý thuê phòng từ Công ty…” và trong Phụ lục A phần III, IV nguyên đơn cũng xác nhận đặt chỗ loại căn hộ nghỉ dưỡng, tuần nghỉ dưỡng và khoản thanh toán tiền thuê phòng mà không phải là sở hữu bất động sản, hay thanh toán tiền bất động sản. Những quy định rõ như vậy trong hợp đồng, không thể bị nhầm lẫn với sở hữu bất động sản được. Lý do nguyên đơn nêu ra bị nhầm lẫn sở hữu bất động sản là không thể chấp nhận.

• Nguyên đơn cho rằng, khi tham gia ký kết hợp đồng, nhân viên tiếp thị của Công ty THHH Khu du lịch V đã không cho nguyên đơn thời gian hợp lý để nghiên cứu nội dung hợp đồng là vi phạm Điều 17 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của người tiêu dùng, việc nguyên đơn không sử dụng quyền này là xem như từ bỏ quyền của mình. Do vậy, việc nguyên đơn đã tự nguyện ký kết hợp đồng là có thật và tại phiên tòa, đại diện cho nguyên đơn vẫn khẳng định việc giao kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện. Vì thế, hợp đồng phát sinh hiệu lực.

• Về tiến độ thực hiện dự án: Ngày khai trương chính thức được xác định theo Điều 8 của Hợp đồng là trong vòng 36 tháng kể từ ngày ban hành giấy phép xây dựng cuối cùng và được gia hạn thêm 6 tháng (nếu có), Công ty sẽ gửi thông báo hoàn thành cho khách hàng. Hiện nay, trong hồ sơ thể hiện 2 giấy phép xây dựng:

– Giấy phép xây dựng số 67/GPXD-SXD ngày 28/4/2017.
– Giấy phép xây dựng số 133/GPXD-SXD ngày 24/10/2018.

Như vậy, tính đến ngày xét xử, nếu căn cứ vào Giấy phép xây dựng ngày 28/4/2017 thì vẫn chưa quá 36 tháng kể từ ngày cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, ngày 24/10/2018, Công ty TNHH Khu du lịch V tiếp tục được cấp giấy phép xây dựng. Do đó, không căn cứ cho rằng Công ty TNHH Khu du lịch V đã vi phạm tiến độ xây dựng, chậm đưa công trình vào hoạt động, vi phạm thời hạn bàn giao kỳ nghỉ cho các chủ sở hữu.

2.9. Đối với yêu cầu trả lại số tiền đặt cọc.

• Bản chất giấy xác nhận đặt chỗ là hợp đồng đặt cọc. Theo thỏa thuận thì số tiền đặt cọc trên sẽ chuyển thành số tiền thanh toán đợt 1 khi đến ngày khai trương chính thức. Như vậy, tại thời điểm xác lập Giấy xác nhận đặt chỗ thì số tiền trên là tiền đặt cọc để đặt chỗ nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng dịch vụ.

• Tại mục 4.1 của Hợp đồng cũng có quy định: “Khách nghỉ dưỡng, theo Hợp đồng này, cam kết không hủy ngang và đồng ý đặt chỗ để hưởng Quyền nghỉ dưỡng theo các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng này. Để đặt chỗ, khách nghỉ dưỡng sẽ thanh toán tiền đặt cọc cho Công ty theo Điều 5.2 Phụ lục C”. Bị đơn không vi phạm hợp đồng, nguyên đơn cũng không có chứng cứ chứng minh bị đơn vi phạm hợp đồng đặt cọc; và các bên đã thỏa thuận Hợp đồng không bị hủy ngang; “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” không bị vô hiệu như yêu cầu của nguyên đơn, do đó, yêu cầu hoàn trả số tiền đặt cọc 300.488.000đ của nguyên đơn là không có căn cứ.

3. Bình luận Án lệ

• Đầu tiên, chúng ta cần hiểu Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là loại hợp đồng gì. Theo Khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.”

Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng.”

Dựa trên vụ việc có thể thấy Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 là Hợp đồng theo mẫu được Công ty THHH Khu du lịch V soạn sẵn để giao kết với người mua. Thông thường, loại hợp đồng này chứa đựng các điều khoản được bên cung cấp quy định sẵn và hiếm khi được điều chỉnh theo yêu cầu của bên được cung cấp. Vì vậy, loại hợp đồng này sẽ tồn tại những rủi ro pháp lý hoặc điều khoản bất lợi hay ràng buộc bên được cung cấp (mà trong trường hợp này là bà T và ông S) phải thực hiện theo hợp đồng do đã được giao kết, tức là bà T và ông S đã hoàn toàn đồng ý với nội dung các điều khoản tại hợp đồng theo mẫu (cụ thể là Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621).

• Tại Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số PBRC-S-064621 có điều khoản thể hiện nội dung các bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Do đó, nếu một trong các bên đưa vụ việc tới Tòa án giải quyết thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ việc do các bên đã có thỏa thuận trọng tài.

Tuy nhiên, tại Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “…Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.”

Đồng thời, tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Theo đó, pháp luật đã có những quy định ưu tiên và thực hiện đúng tinh thần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cho phép người tiêu dùng được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, kể cả khi hợp đồng mẫu đã có quy định lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Bên cung cấp nếu muốn khởi kiện tại Trọng tài theo nội dung của hợp đồng mẫu thì phải được sự chấp thuận của người tiêu dùng.

Tuy nhiên trên thực tế, do quan điểm khác nhau giữa các Tòa án mà diễn ra nhiều vụ việc bị Tòa án từ chối thụ lý yêu cầu của người tiêu dùng với lý do hợp đồng đã giao kết có thỏa thuận trọng tài. Do đó, Án lệ 42 được ra đời để góp phần bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng khi họ có quyền khởi kiện tới Tòa án ngay cả khi trong trường hợp hợp đồng mẫu có điều khoản thỏa thuận trọng tài. Điều này đã giúp người tiêu dùng được ưu tiên, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời giúp họ thuận tiện và dễ dàng hơn trong lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về “Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài”. Chúng tôi mong bài viết này sẽ giúp ích cho các quý bạn đọc.

Trân trọng,