Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và giao thương ngày càng mở rộng, việc ký kết các hợp đồng trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Hiện nay, biện pháp ký quỹ là một trong những công cụ quan trọng và được sử dụng phổ biến trong giao dịch dân sự và thương mại nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng. Thông qua bài viết này, TNTP sẽ phân tích bản chất, vai trò và hiệu quả của biện pháp ký quỹ trong việc thực hiện hợp đồng, đồng thời làm rõ những lợi ích mà nó mang lại cho các chủ thể tham gia giao dịch.

1. Khái niệm và đặc điểm của biện pháp ký quỹ

• Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, biện pháp ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ (bên ký quỹ) sẽ nộp một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo các cam kết trong hợp đồng sẽ được thực hiện đúng và đầy đủ. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng thì khoản ký quỹ có thể được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ, đền bù cho các thiệt hại mà bên có nghĩa vụ gây ra.

• Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện việc chuyển khoản tiền ký quỹ và thanh toán theo một số nguyên tắc cụ thể. Cụ thể như sau:

– Gửi tiền ký quỹ: Tiền ký quỹ phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận của các bên hoặc do bên có quyền chỉ định, nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
– Hình thức ký quỹ: Các bên có thể thỏa thuận ký quỹ một lần hoặc nhiều lần, tùy vào yêu cầu của hợp đồng hoặc quy định pháp luật.
– Sử dụng tiền ký quỹ: Khi nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, tiền ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại, sau khi trừ phí dịch vụ.

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong ký quỹ

Hợp đồng ký quỹ được coi là giao dịch dân sự, nên để hợp đồng này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào hợp đồng phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong quá trình thực hiện ký quỹ, các bên liên quan gồm tổ chức tín dụng nơi ký quỹ, bên ký quỹ và bên có quyền đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Những nội dung này được quy định tại Điều 40 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:

• Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng đóng vai trò trung gian quản lý khoản tiền ký quỹ được quy định như sau:

– Được hưởng phí dịch vụ từ hoạt động ký quỹ.
– Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ để đảm bảo việc thanh toán nghĩa vụ.
– Thực hiện thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ.
– Hoàn trả khoản tiền ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi đã thanh toán nghĩa vụ và chấm dứt ký quỹ.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định pháp luật.

• Quyền và nghĩa vụ của bên ký quỹ (bên có nghĩa vụ gửi tiền, tài sản ký quỹ vào tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện hợp đồng) được quy định như sau:

– Thỏa thuận với tổ chức tín dụng về điều kiện thanh toán tiền ký quỹ theo đúng cam kết với bên có quyền.
– Yêu cầu tổ chức tín dụng hoàn trả tiền ký quỹ còn lại và nhận lãi (nếu có thỏa thuận).
– Có thể rút bớt, bổ sung hoặc sử dụng tiền ký quỹ cho giao dịch khác nếu được sự đồng ý của bên có quyền.
– Nộp đầy đủ số tiền ký quỹ theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo hợp đồng hoặc quy định pháp luật.

• Bên có quyền và có các quyền, nghĩa vụ sau:
– Yêu cầu tổ chức tín dụng thanh toán nghĩa vụ đầy đủ và đúng hạn trong phạm vi tiền ký quỹ.
– Tuân thủ các thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng để thực hiện quyền nhận thanh toán từ tiền ký quỹ.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật.

3. Ưu điểm và hạn chế của ký quỹ trong việc thực hiện hợp đồng

Ký quỹ là một biện pháp phổ biến và quan trọng trong các giao dịch hợp đồng, giúp bảo đảm nghĩa vụ của các bên và tạo sự công bằng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, như bất kỳ phương thức bảo đảm nào, ký quỹ cũng có cả những ưu điểm và hạn chế riêng.

a. Ưu điểm

• Bảo vệ quyền lợi: Ký quỹ giúp bảo vệ lợi ích của các bên, đặc biệt trong trường hợp bên còn lại vi phạm nghĩa vụ hoặc không thực hiện đúng cam kết. Khi đó, một bên chỉ cần cung cấp bằng chứng chứng minh đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ và đáp ứng các điều kiện thỏa thuận để được thanh toán.

• Đảm bảo nghĩa vụ hợp đồng: Ký quỹ là công cụ hiệu quả để bảo vệ việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đúng hạn và đầy đủ. Các bên tham gia sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

• Giảm thiểu rủi ro: Biện pháp ký quỹ giúp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là đối với bên bán hoặc bên cho thuê. Nếu bên đối tác không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, khoản tiền ký quỹ sẽ dùng để thanh toán cho nghĩa vụ hoặc giúp bù đắp phần thiệt hại mà bên vi phạm gây ra một cách nhanh chóng.

• Tăng cường sự tin tưởng: Việc có một khoản tiền ký quỹ giữ lại và chỉ được giải phóng khi hợp đồng được thực hiện đầy đủ tạo ra sự tin tưởng giữa các bên.

b. Hạn chế

Tuy nhiên, ký quỹ cũng có những hạn chế nhất định và có thể gặp phải một số khó khăn trong quá trình áp dụng.

• Chi phí ký quỹ: Việc phải nộp một khoản tiền ký quỹ có thể là gánh nặng tài chính đối với các bên, đặc biệt là đối với bên ký quỹ. Các chi phí liên quan đến phí dịch vụ của tổ chức tín dụng làm tăng tổng chi phí của hợp đồng.

• Quy định rõ ràng về điều kiện nhận ký quỹ: Mặc dù ký quỹ giúp bảo vệ quyền lợi các bên, trong trường hợp không được thỏa thuận hoặc quy định rõ ràng, việc xác định chính xác các điều kiện để nhận tiền ký quỹ có thể gặp khó khăn, dẫn đến việc mất thời gian hoặc xảy ra những tranh chấp pháp lý.

• Giới hạn về khả năng sử dụng tài sản ký quỹ: Tiền ký quỹ phải được giữ ở tài khoản phong tỏa, làm hạn chế khả năng sử dụng số tiền đó cho các mục đích khác. Điều này có thể gây khó khăn đối với bên ký quỹ nếu họ gặp phải các nhu cầu tài chính khẩn cấp trong suốt quá trình hợp đồng.

4. Hình thức ký quỹ thường sử dụng trong Hợp đồng

Hiện tại, có nhiều loại hình ký quỹ khác nhau, nhưng hai loại hình ký quỹ thường được sử dụng phổ biến trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng là ký quỹ bảo lãnh và ký quỹ L/C (Letter of Credit – Thư tín dụng).

• Ký quỹ bảo lãnh: Đây là hình thức ký quỹ trong đó bên ký quỹ đặt cọc một khoản tiền vào tài khoản phong tỏa nhằm bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng cam kết, bên có quyền có thể yêu cầu tổ chức tín dụng thanh toán từ khoản tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại.

• Ký quỹ L/C: Thư tín dụng (L/C) là hình thức ký quỹ mà ngân hàng đứng ra cam kết thanh toán một khoản tiền cho bên bán khi bên mua thực hiện đầy đủ các điều kiện theo thỏa thuận trong hợp đồng. L/C giúp bảo vệ quyền lợi của cả bên bán và bên mua, đặc biệt trong các giao dịch quốc tế, đảm bảo việc thanh toán được thực hiện đúng hạn và đầy đủ.

Ký quỹ là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng hiệu quả, giúp bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch và giảm thiểu rủi ro vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng ký quỹ cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành để tránh phát sinh tranh chấp. Trong bối cảnh giao dịch thương mại ngày càng phát triển, ký quỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và thúc đẩy các giao dịch hợp pháp và công bằng.

Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Biện pháp ký quỹ và vai trò trong việc thực hiện hợp đồng”, TNTP hy vọng rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả trong hoạt động của mình.

Trân trọng,