An toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn là vấn đề được pháp luật Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với đặc thù là một ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, các quy định pháp luật về an toàn lao động trong xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và đảm bảo tiến độ thi công các dự án. Trong bài viết này, TNTP chia sẻ đến quý độc giả những quy định pháp luật về An toàn lao động đối với các chủ thể trong lĩnh vực xây dựng.
1. Thế nào là an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng
Dựa trên quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng như Khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng là các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình thi công, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và ngăn ngừa các sự cố gây mất an toàn tại công trường xây dựng.
2. Quy định pháp luật về an toàn lao động đối với các chủ thể trong lĩnh vực xây dựng
Các quy định pháp luật hiện hành đã đặt ra trách nhiệm cụ thể đối với từng chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, từ nhà thầu thi công, chủ đầu tư đến người lao động.
a. Đối với nhà thầu thi công xây dựng
Nhà thầu thi công xây dựng là đơn vị trực tiếp tổ chức, quản lý và thực hiện các công việc tại công trường, do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP trách nhiệm của nhà thầu trong việc đảm bảo an toàn lao động như sau:
• Lập kế hoạch an toàn lao động: Nhà thầu phải xây dựng kế hoạch an toàn lao động chi tiết, phù hợp với đặc thù công trình, bao gồm các biện pháp phòng ngừa rủi ro, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm và bố trí các trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết.
• Đào tạo và giám sát an toàn lao động: Người phụ trách an toàn lao động của nhà thầu phải được đào tạo chuyên ngành, hướng dẫn người lao động nhận diện nguy cơ tai nạn, giám sát việc tuân thủ an toàn lao động, và xử lý vi phạm kịp thời..
• Kiểm tra, giám sát an toàn: Trong quá trình thi công, nhà thầu có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác an toàn lao động tại công trường, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống nguy hiểm.
• Trang thiết bị bảo hộ: Nhà thầu phải cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động, như mũ bảo hiểm, dây an toàn, giày chống trượt, và đảm bảo các thiết bị này luôn ở trạng thái sử dụng tốt.
• Sử dụng đúng chi phí an toàn: Nhà thầu phải sử dụng chi phí về an toàn lao động đúng mục đích và đảm bảo thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tai nạn theo quy định.
• Báo cáo an toàn lao động: Nhà thầu cần báo cáo các vấn đề liên quan đến an toàn lao động theo yêu cầu của chủ đầu tư, đồng thời lưu trữ hồ sơ quản lý thi công.
b. Đối với chủ đầu tư
Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP trách nhiệm của chủ đầu tư chủ đầu tư đóng vai trò kiểm soát và giám sát toàn diện trong việc đảm bảo an toàn lao động tại công trình. Cụ thể:
• Quản lý an toàn lao động: Chủ đầu tư phải thiết lập hệ thống quản lý thi công xây dựng, thông báo nhiệm vụ và quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý thi công xây dựng cho các nhà thầu có liên quan. Đồng thời, bố trí đủ nhân lực để giám sát thi công và quản lý an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng.
• Đảm bảo an toàn lao động trong thi công: Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư phải được đào tạo chuyên ngành an toàn lao động hoặc kỹ thuật xây dựng, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về an toàn lao động.
• Giám sát an toàn lao động: Người quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của các nhà thầu trong thi công xây dựng.
• Phối hợp giữa các nhà thầu: Chủ đầu tư cần tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn trong thi công xây dựng.
• Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công: Chủ đầu tư có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Chủ đầu tư không chỉ đóng vai trò giám sát mà còn phải chủ động phối hợp với các nhà thầu để xây dựng môi trường làm việc an toàn.
c. Đối với người lao động
Ngoài nhà thầu và chủ đầu tư, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, người lao động, với vai trò là người trực tiếp tham gia thi công, cũng có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ chính mình và đồng nghiệp:
• Tuân thủ các quy định về an toàn lao động: Người lao động phải thực hiện các trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động.
• Báo cáo nguy cơ mất an toàn: Người lao động có trách nhiệm báo cáo với người có thẩm quyền khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công.
• Từ chối công việc không an toàn: Người lao động có quyền từ chối thực hiện công việc khi nhận thấy công việc không đảm bảo an toàn lao động hoặc không được cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
• Chỉ thực hiện công việc sau huấn luyện: Người lao động chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động.
• Ứng cứu và khắc phục tai nạn lao động: Người lao động có trách nhiệm tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.
3. Xử lý vi phạm quy định về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng
Pháp luật quy định rõ các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bao gồm xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
• Theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 70.000.000 đồng, tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm.
• Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, các cá nhân vi phạm có thể bị:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù với mức phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra.
An toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo đức nghề nghiệp của các bên tham gia. Việc các bên trong xây dựng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của mỗi dự án. Hy vọng rằng với các giải pháp thiết thực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, môi trường làm việc trong ngành xây dựng sẽ ngày càng an toàn và bền vững hơn.
Trên đây là bài viết “Quy định pháp luật về an toàn lao động đối với các chủ thể trong lĩnh vực xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,