Việc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là điều khó tránh khỏi do có những sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa hay thực tiễn kinh doanh khiến các bên không hiểu được mục đích của bên còn lại. Hiểu biết và lựa chọn đúng phương thức giải quyết tranh chấp sẽ giúp các bên giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả. Trong bài viết này, TNTP sẽ giới thiệu các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
1. Thương lượng
• Thương lượng là quá trình giải quyết tranh chấp mang tính đồng thuận giữa các bên, theo đó, các bên sẽ trao đổi, đàm phán để giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan trên cơ sở thiện chí để tìm được các giải pháp. Thỏa thuận do các bên đạt được sẽ không có giá trị pháp lý ràng buộc và được thực thi dựa trên sự thiện chí của các bên.
• Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp cơ bản nhất và thường được các bên ưu tiên sử dụng đầu tiên khi giải quyết các tranh chấp, do việc thương lượng có thể diễn ra ở bất cứ thời gian, địa điểm nào mà không bị cản trở bởi mặt thời gian, không gian, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay. Cùng với đó, thay vì tốn chi phí cho bên thứ hỗ trợ, các bên có thể tự trao đổi, đàm phán với nhau. Hơn nữa, việc trực tiếp trao đổi, tháo gỡ các vấn đề sẽ giúp các bên hiểu được mục đích của đối phương và có thể đạt được một giải pháp cân bằng lợi ích cho các bên.
• Tuy nhiên, hiệu quả của phương thức thương lượng sẽ phụ thuộc rất lớn bởi thiện chí của các bên, do kết quả thương lượng không có tính ràng buộc và việc thực hiện kết quả đó phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên. Vì vậy, nếu một bên không thực hiện theo phương án đã thỏa thuận, tranh chấp sẽ không được giải quyết một cách triệt để và cũng không có một chế tài cụ thể để xử lý việc vi phạm. Ngoài ra, sự khác biệt về mặt ngôn ngữ, văn hóa,… cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thương lượng, nhất là đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – nơi các yếu tố trên có ảnh hưởng mạnh mẽ.
2. Hòa giải
• Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp có sự xuất hiện của một bên thứ ba tham gia giải quyết tranh chấp, thường là một cá nhân hoặc tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực mà các bên đang giao dịch, còn gọi là hòa giải viên. Hòa giải viên sẽ đóng vai trò là “cầu nối” giữa các bên, lắng nghe ý kiến của các bên, phân tích, giải thích các vấn đề còn tồn tại sự khác biệt về cách hiểu giữa các bên, đồng thời kiến nghị, đưa ra các phương án hòa giải phù hợp với nhu cầu của các bên để các bên xem xét và quyết định.
• Hòa giải có nhiều điểm tương tự với thương lượng, nhưng có một điểm khác biệt lớn là việc thay vì các bên tự thỏa thuận, các bên sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của hòa giải viên để hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
3. Trọng tài thương mại
• Trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp trong đó các bên sẽ thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài sẽ xem xét các tài liệu, chứng cứ các bên giao nộp cũng như nội dung vụ án để đưa ra quyết định cuối cùng. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp.
• Đối với trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, do tính quốc tế của tranh chấp, có một vài đặc điểm riêng biệt như:
– Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp có thể do các bên lựa chọn, có thể là ngôn ngữ của một trong hai bên trong tranh chấp hoặc một ngôn ngữ thứ ba được các bên thống nhất lựa chọn. Trường hợp không có quy định về ngôn ngữ, hội đồng trọng tài có quyền quyết định ngôn ngữ sử dụng trong tranh chấp.
– Về luật áp dụng, các bên có thể lựa chọn pháp luật quốc gia hoặc tập quán thương mại quốc tế để áp dụng giải quyết tranh chấp.
• Một điểm khác biệt của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thông qua phương thức trọng tài thương mại là việc Phán quyết trọng tài sẽ không được mặc nhiên công nhận và được thi hành án. Việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài sẽ phụ thuộc vào điều ước quốc tế mà quốc gia đó tham gia, hoặc phụ thuộc vào nguyên tắc có đi có lại. Trong một số trường hợp, bên được thi hành án phải thực hiện thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết tại quốc gia mà người phải thi hành phán quyết mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi có tài sản thi hành án.
4. Tòa án
• Tòa án là một phương thức giải quyết tranh chấp mang tính quyền lực nhà nước, theo đó tranh chấp sẽ được giải quyết bởi Tòa án quốc gia, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra bản án, quyết định nhằm giải quyết tranh chấp giữa các bên. Đây được coi là “giải pháp cuối cùng” khi các bên không thể giải quyết được tranh chấp sau khi áp dụng các biện pháp như thương lượng, hòa giải và không có thỏa thuận trọng tài.
• Đối với tranh chấp có tính quốc tế như tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, việc lựa chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp không có nghĩa là tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án mà các bên đã chọn. Khi đó, việc xác định thẩm quyền của tòa án sẽ phụ thuộc vào các quy tắc tư pháp quốc tế được quy định trong pháp luật nơi tòa án được lựa chọn, điều ước quốc tế mà quốc gia có tòa án được lựa chọn tham gia và một số tiêu chí khác.
• Một vấn đề nữa khi lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp là vấn đề liên quan đến luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Theo đó, ngoài việc các bên được lựa chọn pháp luật để áp dụng, trong trường hợp không có thỏa thuận, tòa án sẽ sử dụng các quy phạm xung đột và các nguyên tắc về tư pháp quốc tế được quy định hệ thống pháp luật của nước có tòa án đã chọn để xác định luật sẽ được sử dụng để giải quyết tranh chấp.
• Tương tự như trọng tài thương mại, vấn đề công nhận và cho thi hành bản án của tòa án sẽ được diễn ra tại quốc gia nơi có tài sản thi hành án hoặc tại quốc gia người thi phải hành án mang quốc tịch, chiếu theo điều ước quốc tế mà quốc gia đó tham gia, nguyên tắc có đi có lại, và quy định của pháp luật quốc gia nơi diễn ra hoạt động công nhận và cho thi hành bản án.
Trên đây là bài viết “Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đem lại những kiến thức hữu ích cho độc giả.
Trân trọng,