Trong hoạt động xây dựng, nhiều rủi ro có thể phát sinh làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và an toàn lao động. Việc nhận diện và phòng tránh các rủi ro trong hoạt động xây dựng là vô cùng quan trọng để giảm thiểu thiệt hại và nâng cao hiệu quả công việc. Rủi ro trong hoạt động xây dựng có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm lỗi thiết kế, quản lý kém, thiếu hụt nhân lực hay trang thiết bị không đạt chuẩn. Để đảm bảo sự an toàn của dự án, các nhà quản lý cần nhận diện rủi ro và phương pháp phòng tránh rủi ro trong lĩnh vực xây dựng

1. Rủi ro về tai nạn lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất. Tai nạn lao động có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do sự chủ quan của người lao động nhưng cũng có thể bắt nguồn từ điều kiện làm việc không đảm bảo. Ngoài ra, việc giám sát quá trình thi công không được thực hiện một cách cẩn thận, chặt chẽ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.

Vì vậy, để giảm thiểu tai nạn lao động, về phía người lao động, người lao động cần phải tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động theo Điều 17 Luật Vệ sinh an toàn lao động 2015 như chấp hành nội quy an toàn lao động; nắm vững kiến thức, kỹ năng, biện pháp bảo đảm an toàn; sử dụng các thiết bị an toàn trong quá trình làm việc,… Về phía nhà thầu, theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, nhà thầu cần lập, tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động, tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động cũng như thường xuyên kiểm tra thiết bị, giám sát công tác quản lý an toàn lao động để đảm bảo hạn chế xảy ra sự cố.

2. Rủi ro từ thiết kế và kỹ thuật

Bất kỳ công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ, đều phải có hồ sơ thiết kế để đảm bảo công trình được xây dựng tuân thủ đúng yêu cầu về chất lượng theo quy định pháp luật. Trong trường hợp thiết kế công trình bị thay đổi, không đạt yêu cầu hoặc có sai sót trong tính toán kỹ thuật có thể là nguyên nhân gây ra những vấn đề nghiêm trọng như làm giảm chất lượng công trình, mất an toàn, hoặc tăng chi phí.

Để phòng tránh các rủi ro từ thiết kế và kỹ thuật, một trong những phương pháp quan trọng là lập kế hoạch chi tiết cho toàn bộ dự án để dự phòng cho các tình huống bất ngờ, như thay đổi trong thiết kế, thiên tai, hay sự thay đổi về ngân sách. Đồng thời, các kỹ sư và giám sát viên cần kiểm tra kỹ càng các thiết kế, đảm bảo thiết kế đáp ứng đủ các yêu cầu theo Điều 79 Luật Xây dựng 2014, cũng như thường xuyên giám sát theo dõi quá trình thi công để đảm bảo thiết kế đáp ứng được yêu cầu về an toàn, phù hợp với tính chất công trình cũng như các công đoạn thi công được thực hiện đúng với thiết kế và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp phát hiện bất kỳ sai sót nào, giám sát viên cần có biện pháp khắc phục ngay lập tức.

3. Rủi ro về chất lượng vật liệu

Việc sử dụng vật liệu kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền và an toàn của công trình. Điều này có thể dẫn đến việc công trình không đạt yêu cầu khi nghiệm thu và cần phải sửa chữa hoặc thậm chí phá bỏ, gây tổn thất về tài chính cho nhà thầu và chủ đầu tư.

Đảm bảo chất lượng vật liệu là yếu tố quan trọng để phòng tránh các rủi ro về chất lượng công trình. Theo Điều 5 Thông tư 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật. Do đó, các nhà thầu cần sử dụng vật liệu xây dựng có nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Việc kiểm tra và thử nghiệm vật liệu trước khi đưa vào sử dụng là biện pháp giúp xác nhận mức độ phù hợp của vật liệu và hạn chế trường hợp vật liệu không phù hợp với tính chất và điều kiện thi công của công trình.

4. Rủi ro phát sinh nợ trong xây dựng

Trong quá trình xây dựng, việc phát sinh các chi phí ngoài dự kiến có thể khiến ngân sách thâm hụt, dẫn đến việc các nhà thầu và chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như giá vật tư, thiết bị, nhân công biến động liên tục; chủ đầu tư và nhà thầu có xu hướng thi công trước, tìm vốn sau; quyết định đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu thực tế; thiếu kế hoạch bố trí vốn,…

Để hạn chế phát sinh công nợ hay các tranh chấp về việc thanh toán, các nhà thầu cần lập bảng dự toán thu chi chi tiết, toàn diện và dự phòng chi phí phát sinh như chi phí thiết kế, chi phí cho các thủ tục pháp lý, chi phí nhân công, chi phí vật tư,… Ngoài ra, trước khi đầu tư dự án, chủ đầu tư cần có kế hoạch đầu tư cụ thể, rõ ràng và lựa chọn dự án phù hợp với khả năng để hạn chế phát sinh nợ xấu.

Việc nhận diện, phân tích và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là cần thiết để giảm thiểu thiệt hại, phòng tránh rủi ro trong hoạt động xây dựng và đảm bảo sự thành công của dự án xây dựng. Các phương pháp như lập kế hoạch chi tiết, lập bảng dự toán thu chi chi tiết, đảm bảo an toàn lao động, sử dụng vật liệu chất lượng và giám sát chặt chẽ quá trình thi công sẽ giúp giảm thiểu rủi ro về tài chính và nâng cao chất lượng công trình. Hơn nữa, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh các sự cố không mong muốn.

Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Rủi ro và phương pháp phòng tránh rủi ro trong lĩnh vực xây dựng”. Hy vọng bài viết có ích đối với các độc giả.

Trân trọng,