Sự cố công trình xây dựng không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người. Do đó, pháp luật Việt Nam đã đặt ra các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các bên liên quan nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và vận hành công trình. Qua bài viết này, TNTP sẽ gửi đến Qúy đọc giả nội dung quy định về trách nhiệm của Các bên khi xảy ra sự cố công trình xây dựng.

1. Khái niệm và phân loại sự cố công trình xây dựng

Sự cố công trình xây dựng được pháp luật định nghĩa tại khoản 34 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 là những hư hỏng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến kết cấu, công năng hoặc gây nguy hiểm cho con người. Theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP, sự cố bao gồm sập đổ toàn bộ hoặc một phần công trình, biến dạng lớn vượt giới hạn cho phép và hư hỏng các thiết bị có nguy cơ cao gây tai nạn. Ngoài ra, sự cố có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như lỗi kỹ thuật, thiên tai, hoặc do quá trình sử dụng không đúng quy trình.

Theo Điều 43 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, sự cố công trình được phân phân loại thành ba cấp độ dựa trên mức độ thiệt hại:

• Cấp I: Sự cố gây thiệt hại về người, làm chết từ 6 người trở lên hoặc đổ một phần công trình hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập đổ toàn bộ công trình cấp I trở lên..

• Cấp II: Sự cố làm gây thiệt hại về nhân mạng từ 1 đến 5 người hoặc sập đổ toàn bộ hoặc một phần công trình cấp II, cấp III hoặc các hư hỏng có nguy cơ làm sập đổ công trình.

• Cấp III: sự cố nhỏ hơn, không thuộc phạm vi cấp I và cấp II, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công trình.

Việc phân loại này giúp cơ quan chức năng dễ dàng xác định mức độ trách nhiệm và biện pháp xử lý phù hợp đối với từng sự cố cụ thể.

2. Trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố công trình xây dựng

• Trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra sự cố công trình xây dựng: Chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và giám sát toàn bộ quá trình xây dựng. Theo quy định, chủ đầu tư phải đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và giám sát chặt chẽ việc thi công. Trong trường hợp xảy ra sự cố, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước; Hợp tác điều tra bao gồm cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến dự án để hỗ trợ điều tra nguyên nhân sự cố,…; Phối hợp với các bên để khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra do lỗi của chủ đầu tư (như thiếu sót trong thiết kế, giám sát).

Cụ thể: Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có). Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.

• Trách nhiệm của nhà thầu thi công khi xảy ra sự cố công trình xây dựng: Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng công trình và an toàn lao động trong suốt quá trình thi công. Điều này bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng vật liệu và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn. Nếu sự cố xảy ra do lỗi kỹ thuật hoặc thi công không đúng thiết kế, nhà thầu sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về khắc phục hậu quả cũng như bồi thường thiệt hại; Cung cấp nhân lực, vật lực cần thiết để hỗ trợ khắc phục hậu quả.

• Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế khi xảy ra sự cố công trình xây dựng: Đơn vị tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của hồ sơ thiết kế. Nếu sự cố xảy ra do lỗi thiết kế hoặc tính toán sai, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. Pháp luật yêu cầu đơn vị tư vấn phải kiểm tra và rà soát kỹ hồ sơ thiết kế trước khi đưa vào thi công nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

• Trách nhiệm của đơn vị giám sát thi công khi xảy ra sự cố công trình xây dựng: Đơn vị giám sát có vai trò kiểm tra và giám sát toàn bộ quá trình thi công để đảm bảo tuân thủ đúng thiết kế và các tiêu chuẩn an toàn. Nếu đơn vị này không phát hiện hoặc báo cáo kịp thời những sai phạm trong quá trình thi công dẫn đến sự cố, họ sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan, bao gồm cả trách nhiệm dân sự và hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

3. Quy trình xử lý khi xảy ra sự cố công trình xây dựng

Khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu thi công công trình có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp kịp thời để tìm kiếm cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, đồng thời ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra. Ngoài ra, họ còn phải tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và báo cáo tình hình lên các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ trủ trì giải quyết và thực hiện các công việc sau:

• Tạm dừng thi công: Tùy thuộc vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố, cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư có thể quyết định dừng hoặc tạm dừng thi công hay khai thác sử dụng công trình.

• Xem xét phá dỡ, thu dọn hiện trường: Việc phá dỡ và thu dọn hiện trường phải đảm bảo an toàn cho người, tài sản và các công trình lân cận. Trước khi tiến hành, cần ghi lại hiện trường bằng ảnh, video, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ chi tiết.

• Thông báo kết quả giám định: Sau khi xác định nguyên nhân sự cố, kết quả giám định cần được thông báo cho chủ đầu tư và các bên liên quan để có biện pháp khắc phục phù hợp.

• Xử lý trách nhiệm pháp lý: Các bên liên quan sẽ bị xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định pháp luật, bao gồm các hình thức xử phạt hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho cấp huyện giải quyết các sự cố cấp II và cấp III để kịp thời xử lý và đảm bảo an toàn địa phương.

4. Hình thức xử phạt và bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố công trình xây dựng

Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm. Tùy vào mức độ vi phạm, các hình thức xử phạt bao gồm:

• Xử phạt hành chính: Các vi phạm về an toàn lao động và chất lượng công trình có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

• Truy cứu trách nhiệm hình sự: Người nào vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người hoặc thiệt hại lớn về tài sản, các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

• Bồi thường thiệt hại: Các bên gây ra sự cố phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản, bao gồm chi phí sửa chữa, điều trị y tế và các thiệt hại khác phát sinh.

5. Giải pháp phòng ngừa sự cố trong xây dựng

Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa. Trước hết, việc lựa chọn nhà thầu có năng lực và kiểm soát chất lượng vật liệu đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo về an toàn lao động cho công nhân và cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, việc kiểm tra, bảo trì định kỳ cũng là yếu tố không thể thiếu nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn.

Việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho công trình mà còn bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời góp phần xây dựng ngành xây dựng phát triển bền vững và an toàn hơn.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Quy định về trách nhiệm Các bên khi xảy ra sự cố công trình xây dựng”. Hy vọng rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.

Trân trọng,