Trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, phương thức thương lượng được coi là một phương thức ưu việt, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các bên tham gia. Với vai trò là một phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc tự nguyện và thiện chí, thương lượng giúp các bên có thể tháo gỡ mâu thuẫn một cách linh hoạt mà không cần phải chịu áp lực từ các quy trình pháp lý phức tạp và tốn kém. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích một số nội dung về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bằng thương lượng.

1. Khái niệm

Thương lượng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được hiểu là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, trong đó các bên tranh chấp tự mình thực hiện các thỏa thuận để xử lý mâu thuẫn. Thông qua sự tự nguyện và thiện chí, các bên tìm cách giải quyết các bất đồng hoặc xung đột phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, với mục tiêu hướng tới bảo vệ lợi ích chung và duy trì mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

2. Đặc điểm

(i) Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án

Thương lượng được thực hiện mà không có sự tham gia của bên thứ ba như trọng tài hoặc tòa án. Trong lĩnh vực thương mại, các bên tranh chấp trực tiếp đàm phán với nhau để tìm kiếm giải pháp, thay vì dựa vào sự hỗ trợ của một bên trung gian. Vai trò của bên thứ ba trong quá trình này thường không cần thiết, bởi trọng tâm của thương lượng nằm ở sự trao đổi trực tiếp giữa các bên.

(ii) Thương lượng là quá trình đàm phán để các bên thống nhất giải quyết tranh chấp

Những tranh chấp thương mại quốc tế có thể phát sinh trong quá trình ký kết hoặc thực hiện hợp đồng. Hoạt động thương lượng có thể được thực hiện trực tiếp bởi các bên liên quan hoặc thông qua đại diện là những chuyên gia có đủ năng lực và kinh nghiệm, được ủy quyền để tiến hành đàm phán thay mặt cho các bên.

(iii) Thiện chí là yếu tố quyết định

Một trong những yếu tố cốt lõi để thương lượng đạt hiệu quả là thiện chí từ các bên. Các bên cần hành động với sự trung thực, tinh thần hợp tác và đôi khi sẵn sàng nhượng bộ một số lợi ích nhất định. Điều này giúp quá trình giải quyết tranh chấp trở nên khách quan hơn và mang lại kết quả tối ưu.

(iv) Hiệu quả

Phương thức thương lượng tạo điều kiện để các bên liên quan, trực tiếp hoặc thông qua đại diện, gặp gỡ và thảo luận nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Đây là cơ hội để các bên làm rõ ý định của mình một cách minh bạch, đồng thời thấu hiểu quan điểm và nguyện vọng của đối phương. Từ đó, họ có thể tìm ra giải pháp tốt nhất, phù hợp với lợi ích của hai bên.

Thương lượng hiệu quả trong các tranh chấp có tính chất đơn giản, giá trị thấp, hoặc khi các bên không muốn có sự can thiệp từ bên thứ ba. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên là các chủ thể đến từ các quốc gia khác nhau, do sự khác biệt văn hóa, pháp luật hoặc quan điểm giữa các quốc gia quá lớn, việc gặp mặt trực tiếp để thương lượng có thể gặp nhiều khó khăn, làm tốn kém thời gian và chi phí. Vì vậy, hiệu quả của phương thức này phụ thuộc rất lớn vào bản chất tranh chấp, thái độ và mục đích của các bên tham gia.

3. Cách thức thực hiện

Trong các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên thường ưu tiên lựa chọn phương thức thương lượng gián tiếp thông qua việc trao đổi qua văn bản hoặc trao đổi qua các cuộc họp trực tuyến bởi vì việc gặp gỡ trực tiếp khó khăn do khoảng cách về địa lý.

Việc trao đổi qua văn bản thường được thực hiện thông qua các công cụ hiện đại như thư điện tử hoặc fax. Theo đó, bên khiếu nại sẽ gửi văn bản nêu rõ hành vi vi phạm kèm theo các bằng chứng cụ thể nhằm chứng minh yêu cầu của mình. Trong văn bản này, bên khiếu nại cũng có thể đưa ra những yêu cầu chi tiết và đề xuất phương thức giải quyết mong muốn. Sau khi tiếp nhận, bên bị vi phạm sẽ phản hồi bằng một văn bản riêng, trong đó trình bày quan điểm và ý kiến của mình về tranh chấp đang xảy ra.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự giao thoa của nhiều hệ thống pháp luật, văn hóa kinh doanh và tập quán thương mại khác nhau, việc áp dụng thương lượng không chỉ góp phần giảm thiểu chi phí, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên mà còn duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài, vốn là yếu tố cốt lõi trong hoạt động thương mại quốc tế. Đây chính là lý do mà thương lượng luôn được khuyến khích trước khi các bên cân nhắc đến các phương thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài hoặc tòa án.

Trên đây là bài viết “Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bằng thương lượng” mà TNTP gửi đến độc giả. Hy vọng bài viết này sẽ có ích với bạn.

Trân trọng.