Đặc trưng của hợp đồng là sự thỏa thuận nhằm xác lập các quyền, nghĩa vụ cho các bên. Tương tự, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên đều có quyền và nghĩa vụ của riêng mình. Trong đó, bên bán sẽ có các nghĩa vụ liên quan đến giao hàng và bên mua có các nghĩa vụ liên quan đến việc thanh toán. Vì vậy, các tranh chấp nảy sinh do lỗi của bên bán vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu liên quan đến các vấn đề về giao hàng, chất lượng hàng hóa,… Trong bài viết này, TNTP sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức pháp lý về các tranh chấp phát sinh do bên bán vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
1. Tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa
Mua bán hàng hóa là một hoạt động thương mại có đặc trưng là bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; trong khi đó, bên mua có nghĩa vụ thanh toán, nhận hàng và quyền sở hữu từ bên bán theo thỏa thuận.
Trong quan hệ mua bán hàng hóa, do bên bán là bên chịu trách nhiệm sản xuất, cung cấp, giao hàng nên các tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ của bên bán thường xuất phát từ các vi phạm như không giao hàng, giao hàng chậm, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại,…
2. Tranh chấp do bên bán giao hàng không đúng thời hạn giao hàng
Căn cứ Điều 37 Luật Thương mại 2005, bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định cụ thể thời điểm giao hàng thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó, với điều kiện là phải thông báo trước cho bên mua. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi ký kết hợp đồng.
Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận thời điểm giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc trong các đơn đặt hàng. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm mà các bên đã thỏa thuận. Trường hợp bên bán không thể giao hàng vào đúng thời hạn đã thỏa thuận, bên bán cần thông báo trước với bên mua và đề nghị thời hạn giao hàng mới. Trong trường hợp bên mua không đồng ý thay đổi thời hạn giao hàng mà bên bán không thể giao hàng đúng thời hạn theo thỏa thuận của các bên được hiểu là bên bán đã vi phạm nghĩa vụ về thời hạn giao hàng.
Việc giao hàng đúng thời hạn của bên bán là vô cùng quan trọng bởi nếu bên bán vi phạm nghĩa vụ này sẽ làm chậm tiến độ sản xuất, kinh doanh của bên mua, dẫn đến việc bên mua có thể vi phạm hợp đồng với bên thứ ba. Trong trường hợp này, bên bán sẽ phải chịu các chế tài do vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
3. Tranh chấp do bên bán giao hàng không đúng chủng loại, số lượng hàng hóa hoặc không giao hàng
Căn cứ Điều 34 Luật Thương mại 2005, bên bán phải giao hàng cho bên mua theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, phương thức đóng gói, bảo quản hàng hóa và các quy định khác. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì các trường hợp sau được coi là bên bán không giao hàng, không giao hàng đúng chủng loại, số lượng:
– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;
– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua;
– Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hóa trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường;
– Hàng hóa không được giao hoặc được giao nhưng số lượng hàng hóa không đúng như thỏa thuận.
Việc giao hàng đúng chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa là nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa do việc giao sai chủng loại, chất lượng, số lượng có thể gây thiệt hại cho bên còn lại đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Khi mục đích giao kết không đạt được, ngoài việc bên bán phải bồi thường, phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận) thì bên mua có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng được ký kết giữa các bên.
Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 40 Luật Thương mại 2005, trường hợp bên mua đã biết hoặc buộc phải biết về các khiếm khuyết đó của hàng hóa vào thời điểm giao kết hợp đồng, bên bán không bị coi là giao hàng hóa không phù hợp về chất lượng. Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 44 Luật Thương mại 2005, bên bán cũng không phải chịu trách nhiệm đối với các khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa.
4. Tranh chấp do bên bán vi phạm các điều khoản khác trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Ngoài một số tranh chấp phổ biến được đề cập ở trên, các tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ còn có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
– Tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hóa: Căn cứ Điều 42 Luật thương mại 2005, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hóa trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận. Như vậy, trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng nghĩa vụ giao các chứng từ hàng hóa cho bên mua theo như thỏa thuận và không khắc phục được vấn đề này thì tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ cũng có thể phát sinh.
– Tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ đảm bảo quyền sở hữu đối với hàng hóa: Căn cứ Điều 45 Luật thương mại 2005, bên bán có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa không bị tranh chấp bởi bên thứ ba cũng như hàng hóa và việc vận chuyển hàng hóa đó phải hợp pháp. Theo đó, bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phát sinh các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu hay tính hợp pháp của hàng hóa.
– Tranh chấp do bên bán vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Căn cứ Điều 46 Luật thương mại 2005, bên bán không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán. Theo đó, đối với một số loại hàng hóa đặc thù đã được cấp các quyền sở hữu trí tuệ và thuộc quyền sở hữu của bên mua hoặc một bên thứ ba bất kỳ mà bên bán sử dụng khi chưa được cho phép sẽ bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
– Tranh chấp do bên bán vi phạm điều khoản liên quan đến bảo mật thông tin: Tranh chấp có thể phát sinh do bên bán vô tình hoặc cố ý sử dụng, phát tán các thông tin của bên mua khi chưa được sự cho phép của bên mua hoặc làm lộ bí mật kinh doanh của bên mua,…
– Tranh chấp do bên bán vi phạm các điều khoản khác theo thỏa thuận của các bên.
Trong trường hợp bên bán vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa trên, bên bán có thể sẽ phải chịu một hoặc đồng thời nhiều các chế tài như: buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm đình chỉ hợp đồng, đình chỉ hợp đồng, chấm dứt hợp đồng,…. tùy vào thỏa thuận của các bên và quy định pháp luật.
Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP về “Tranh chấp do bên bán vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với bạn.
Trân trọng.