Trong mối quan hệ dân sự, khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì trách nhiệm dân sự sẽ phát sinh. Khi đó, bên vi phạm nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự như là một hậu quả pháp lý bất lợi để bù đắp và khắc phục những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm nghĩa vụ. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích quy định pháp luật về Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ theo Bộ luật Dân sự 2015.
1. Trách nhiệm dân sự và trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự
Căn cứ vào Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trong đó, vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
Như vậy, có thể hiểu, trách nhiệm dân sự là trách nhiệm phát sinh khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ dưới một trong 03 hình thức: (1) không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, (2) thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc (3) thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
Các trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ bao gồm:
• Thứ nhất, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 156, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, trường hợp không có thỏa thuận khác và pháp luật không có quy định khác, bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự.
• Thứ hai, bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Quy định này đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên có nghĩa vụ khi do lỗi của bên có quyền khiến bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ. Khi đó, để được loại trừ trách nhiệm dân sự, bên có nghĩa vụ có nghĩa vụ chứng minh lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền.
2. Trách nhiệm dân sự trong các trường hợp cụ thể
Căn cứ vào quy định từ Điều 356 đến Điều 364 Bộ luật Dân sự 2015, trong các trường hợp cụ thể, bên có nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự khác nhau khi vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể:
(1) Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật
Đối với nghĩa vụ giao vật đặc định: Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó. Nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
Đối với nghĩa vụ giao vật cùng loại: Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác. Nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.
Đồng thời, bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
(2) Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất 20%/năm. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì lãi suất thì lãi suất được xác định là 10%/năm.
(3) Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc
• Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể: Yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện; hoặc Tự mình thực hiện; hoặc Giao người khác thực hiện công việc đó.
Trường hợp bên có quyền tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc, bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại (nếu có).
• Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
(4) Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.
Trừ trường hợp luật có quy định khác, trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận.
(5) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Về mặt nguyên tắc, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm: (1)Thiệt hại về vật chất: Là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. (2) Thiệt hại về tinh thần: Là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Như vậy, có thể thấy, bên vi phạm nghĩa vụ có thể phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm cả những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần nếu những thiệt hại này đều bị gây ra do hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi, bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Khi đó, bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Thay vào đó, bên bị vi phạm sẽ chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình thông qua việc không được nhận bồi thường thiệt từ bên bị vi phạm.
Trên đây là nội dung bài viết “Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Hi vọng bài viết hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,