Đảm bảo chất lượng là một trong các tiêu chí cơ bản cần được ưu tiên trong lĩnh vực xây dựng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài. Để đảm bảo chất lượng công trình, các bước từ thiết kế, chọn vật liệu, thi công đều cần được thực hiện một cách cẩn thận, tuân thủ theo đúng các quy định trong hợp đồng và các quy định pháp luật. Việc các tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình phát sinh có thể dẫn đến các tổn thất về tài chính, ảnh hưởng đến uy tín của các bên cũng như phát sinh các hệ lụy pháp lý khác. Vì vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng.
1. Các vấn đề liên quan đến thiết kế công trình
Thiết kế là giai đoạn phác thảo ý tưởng và kiến trúc công trình. Trong giai đoạn này, bên cạnh tính thẩm mỹ, kiến trúc sư còn phải tính toán các thông số đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đạt điều kiện thi công công trình. Chính vì vậy, khi các bản vẽ thiết kế có sai sót, không phù hợp để ứng dụng trong thực tiễn,… sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công công trình và dẫn đến các tranh chấp phát sinh.
1.1 Thiết kế không đạt chuẩn theo quy định và tiêu chuẩn xây dựng
Trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư cần đảm bảo các bản vẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc về thiết kế xây dựng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng cho công trình. Trường hợp các thiết kế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này có thể dẫn đến một số vấn đề như: Không đáp ứng yêu cầu về an toàn như chịu lực, chống cháy nổ,…; khó khăn trong việc nghiệm thu do không đạt tiêu chuẩn;… Khi các vấn đề trên nảy sinh sẽ làm kéo dài thời gian thi công, tiêu tốn nguồn lực tài chính để khắc phục hậu quả. Chính vì vậy, đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tranh chấp chất lượng công trình xây dựng.
1.2. Thay đổi thiết kế trong quá trình thi công
Trong quá trình xây dựng, việc thay đổi thiết kế ban đầu có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như điều chỉnh lại chi phí, tối ưu hóa không gian hoặc các yêu cầu khác từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, trường hợp sự điều chỉnh này không được quản lý chặt chẽ và điều chỉnh một cách phù hợp với phần công trình đã thực hiện có thể gây khó khăn cho việc thi công và nghiệm thu, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ngoài ra, việc thay đổi thiết kế có thể dẫn đến kết cấu chịu tải không đảm bảo, làm gia tăng nguy cơ biến dạng công trình, không đảm bảo an toàn sử dụng.
Trên thực tế, nhiều dự án đã thay đổi thiết kế do yêu cầu của chủ đầu tư hoặc do điều kiện thực tế và việc thay đổi thiết kế có thể ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ công trình, dẫn đến các tranh chấp về chất lượng công trình khi thực hiện nghiệm thu và bàn giao.
2. Lựa chọn vật liệu không phù hợp
Vật liệu được xem là một trong những yếu tố chủ đạo quyết định tuổi thọ công trình. Trường hợp nhà thầu sử dụng vật liệu không đạt chuẩn hoặc không phù hợp với yêu cầu, công trình có thể không đảm bảo được các tiêu chuẩn về an toàn, độ bền và khả năng chịu lực khiến công trình xuống cấp nhanh chóng. Ví dụ, khi xây dựng công trình ở ven biển, với đặc tính có mức độ xâm thực cao, trường hợp nhà thầu không lựa chọn vật liệu có tính chống ăn mòn cao và chú trọng vấn đề chống ăn mòn của kết cấu bê tông cốt thép thì tuổi thọ và chất lượng công trình có thể giảm nhanh gấp gần nhiều lần so với dự định. Ngoài ra, trên thực tế, rất nhiều trường hợp các nhà thầu cố ý thay đổi, sử dụng thép, xi măng hay gạch kém chất lượng để cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận dẫn đến công trình dễ bị lún, nứt hoặc giảm tuổi thọ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Những lỗi này không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn và tính thẩm mỹ của công trình mà còn gây thiệt hại lớn về tài chính cho các bên. Trong trường hợp tranh chấp, chủ đầu tư thường yêu cầu nhà thầu bồi thường hoặc sửa chữa các lỗi phát sinh, còn nhà thầu sẽ không nhận lỗi hoặc tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm.
3. Thi công không đạt yêu cầu
Thi công không đạt yêu cầu cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng công trình. Nguyên nhân của vấn đề này có thể đến từ việc trình độ chuyên môn của công nhân còn yếu kém, việc giám sát công trình của các nhà quản lý dự án chưa thực sự sát sao. Khi chất lượng thi công không đảm bảo, các tranh chấp nói chung và tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình nói riêng có thể phát sinh giữa các bên, đặc biệt là giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng”. TNTP hy vọng bài viết có ích đối với các độc giả.
Trân trọng,