Bảo hiểm trong lĩnh vực xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia dự án. Trong đó, nhà thầu, với tư cách là bên trực tiếp thực hiện thi công, chịu trách nhiệm pháp lý quan trọng đối với việc tham gia và duy trì các loại bảo hiểm theo quy định pháp luật. Các quy định này không chỉ nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài chính mà còn góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc, giúp giảm thiểu tranh chấp và tổn thất phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

1. Bảo hiểm trong xây dựng

Bảo hiểm trong lĩnh vực xây dựng là một hình thức bảo vệ, được sử dụng nhằm giảm thiểu các rủi ro và tổn thất phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Theo đó, bảo hiểm công trình xây dựng là hợp đồng bảo hiểm giữa nhà thầu, chủ đầu tư và công ty bảo hiểm, trong đó công ty bảo hiểm cam kết bồi thường thiệt hại do các sự cố bất ngờ, không lường trước xảy ra đối với công trình, tài sản, người lao động hoặc bên thứ ba.

2. Trách nhiệm mua bảo hiểm của Nhà thầu

• Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014 Các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm: (1) Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; (2) • Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; (3) Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động; (4) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba và (5) Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.

• Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung bởi Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Trong đó, Nhà thầu xây dựng (bao gồm nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công) có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, cụ thể:

– Nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên: Loại bảo hiểm này áp dụng cho các nhà thầu thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng, bao gồm thiết kế, giám sát thi công và các hoạt động liên quan. Bảo hiểm này giúp nhà thầu đảm bảo bồi thường thiệt hại khi xảy ra sai sót trong tư vấn hoặc thiết kế, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng hoặc an toàn của dự án.

– Nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường: Loại bảo hiểm này bảo vệ giá trị công trình trước các rủi ro như tai nạn lao động, hoặc các sự cố kỹ thuật. Bảo hiểm công trình giúp giảm thiểu tổn thất và đảm bảo quyền lợi của cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư.

Bảo hiểm bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba: Bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) .

• Số tiền bảo hiểm tối thiểu cho bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng phải bằng giá trị hoàn chỉnh của công trình, bao gồm vật liệu, nhân công, thiết bị, cước phí, thuế, phí và các hạng mục do chủ đầu tư cung cấp, không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

• Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng mới nhất theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP bao gồm: (1) Tổn thất do chiến tranh, bạo loạn, hành động thù địch, hoặc quyết định của cơ quan nhà nước (2) Tổn thất do khủng bố hoặc liên quan đến hạt nhân, phóng xạ (3) Tổn thất hoặc thiệt hại của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có tên trong danh sách cấm vận (4) Tổn thất do vi phạm pháp luật, không có quyền lợi bảo hiểm, hoặc ngừng thi công xây dựng. (5) Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm máy tính. (6) Tổn thất do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng từ cấp II trở lên (7) Tổn thất do ăn mòn, mài mòn, mục rữa, han gỉ, hoặc kết tạo vẩy cứng. (8) Chi phí sửa chữa, thay thế, chỉnh sửa khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề (chỉ áp dụng với hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp).

Việc tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm này không chỉ là yêu cầu pháp luật mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với dự án, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn trong xây dựng.

3. Hậu quả khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hiểm

Việc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo hiểm có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nhà thầu, cụ thể:

• Xử phạt hành chính: Nhà thầu có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và buộc mua bảo hiểm cho công trình

• Bồi thường thiệt hại: Trong trường hợp xảy ra sự cố, nhà thầu phải tự chịu toàn bộ chi phí bồi thường, gây áp lực lớn về tài chính và làm suy giảm uy tín của doanh nghiệp.

• Tranh chấp hợp đồng: Trong hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu thường quy định về việc Nhà thầu phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm xây dựng. Do đó, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, chủ đầu tư có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, dẫn đến các tranh chấp kéo dài.

4. Giải pháp thực hiện trách nhiệm pháp lý về bảo hiểm

Để thực hiện tốt trách nhiệm pháp lý liên quan đến bảo hiểm, nhà thầu cần thực hiện các biện pháp sau:

– Xây dựng hợp đồng rõ ràng và chi tiết: Hợp đồng cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên về việc tham gia bảo hiểm, các loại bảo hiểm cần có, và quy trình xử lý khi phát sinh rủi ro.

– Hợp tác với đơn vị bảo hiểm uy tín: Việc lựa chọn đơn vị bảo hiểm uy tín giúp nhà thầu đảm bảo quyền lợi và xử lý nhanh chóng các sự cố phát sinh.

– Duy trì hệ thống giám sát chặt chẽ: Nhà thầu cần có hệ thống giám sát để đảm bảo việc gia hạn bảo hiểm được thực hiện đúng hạn và mọi sự cố được giải quyết kịp thời.

Trách nhiệm pháp lý về bảo hiểm trong xây dựng không chỉ là yêu cầu bắt buộc của pháp luật mà còn là công cụ hiệu quả giúp nhà thầu bảo vệ lợi ích của mình và các bên liên quan. Việc tuân thủ đầy đủ và thực hiện tốt nghĩa vụ bảo hiểm không chỉ giúp nhà thầu giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường xây dựng đầy thách thức.

Trên đây là bài viết “Trách nhiệm pháp lý của Nhà thầu về bảo hiểm trong xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. Hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,