Đối với những tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được các bên lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, vấn đề luật áp dụng trong một số trường hợp không thực sự đơn giản, từ việc chọn các quy tắc tiến hành tố tụng cho đến việc lựa chọn pháp luật để giải quyết nội dung tranh chấp. Trong bài viết này, TNTP sẽ chỉ ra một số trường hợp lựa chọn pháp luật để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại trọng tài tại Việt Nam.
1. Luật áp dụng trong tố tụng tại trọng tài
Lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, việc xác định luật áp dụng trong tố tụng trọng tài như các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài, vấn đề thời hiệu khởi kiện, thành lập hội đồng trọng tài (bao gồm các vấn đề như chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên), xét xử trọng tài (gồm một số thủ tục như thủ tục lấy lời khai, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), thủ tục ra phán quyết, cho đến công nhận và thi hành phán quyết trọng tài… dựa trên các nguyên tắc về sự thỏa thuận của các bên và luật của nước nơi thành lập trọng tài hoặc là nơi xét xử trọng tài.
Trọng tài tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định luật áp dụng về tố tụng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì tùy thuộc vào loại trọng tài giải quyết tranh chấp, việc lựa chọn luật áp dụng được quy định như sau:
• Trường hợp các bên lựa chọn trọng tài vụ việc (ad hoc): Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài là luật do các bên lựa chọn. Trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng, hội đồng trọng tài sẽ lựa chọn luật áp dụng trong tố tụng hoặc áp dụng pháp luật của nước nơi thành lập trọng tài hoặc nơi xét xử trọng tài. Nếu các bên lựa chọn thành lập trọng tài tại Việt Nam hoặc nơi xét xử của trọng tài tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.
• Trường hợp các bên lựa chọn trọng tài quy chế (các trung tâm trọng tài): Thông thường, các trung tâm trọng tài sẽ có quy tắc tố tụng riêng biệt được áp dụng để giải quyết các tranh chấp tại trung tâm trọng tài đó. Tuy nhiên, các bên sẽ được áp dụng các quy tắc tố tụng khác trong trường hợp quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn cho phép. Các quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài phải phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại tại quốc gia nơi có trung tâm trọng tài.
2. Luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp
Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 đã đưa ra các nguyên tắc xác định luật giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cụ thể như sau:
• Nếu các bên có thỏa thuận về lựa chọn pháp luật áp dụng, Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật mà các bên đã lựa chọn. Đối với tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật Việt Nam cho phép các bên có quyền thoả thuận lựa chọn luật áp dụng cho nội dung tranh chấp và hội đồng trọng tài có nghĩa vụ tôn trọng sự lựa chọn đó. Luật của các bên lựa chọn có thể là luật nước ngoài, các điều ước quốc tế, các tập quán quốc tế,…
Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tương tự, Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây: (i) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; (ii) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Trong trường hợp đó, pháp luật Việt Nam sẽ là luật điều chỉnh nội dung tranh chấp.
• Trường hợp các bên không có thỏa thuận về lựa chọn pháp luật áp dụng, hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật mà hội đồng trọng tài cho là hợp lý để giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài sẽ đánh giá hệ thống pháp luật mà hội đồng trọng tài cảm thấy hợp lý nhất đối với tranh chấp để áp dụng giải quyết. Sự hợp lý trong việc lựa chọn pháp luật mang tính chủ quan của trọng tài viên, có thể không dựa trên một tiêu chí, nguyên tắc cụ thể nào.
Trong hoạt động tố tụng trọng tài, nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp luôn được tôn trọng trong mọi giai đoạn, từ việc lựa chọn luật áp dụng trong tố tụng, cho đến việc lựa chọn luật giải quyết nội dung tranh chấp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, trọng tài sẽ áp dụng quy định luật phù hợp để giải quyết tranh chấp.
Trên đây là bài viết “Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Trọng tài Việt Nam”. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn đọc.
Trân trọng,