Trong lĩnh vực xây dựng, tranh chấp giữa các bên thường xuyên xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do sự không rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng, những thay đổi về yêu cầu công việc, chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn, chậm tiến độ thực hiện, tranh chấp về thanh toán, hoặc sự ảnh hưởng của các thay đổi về pháp luật, chính sách,… Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày về các loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng và những phương thức thường được áp dụng để giải quyết loại tranh chấp này.

1. Định nghĩa hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật xây dựng 2014, sửa đổi 2020 (“Luật Xây dựng”), Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tùy vào tính chất, nội dung công việc thực hiện và giá hợp đồng áp dụng mà hợp đồng xây dựng sẽ được được thành các loại khác nhau. Ví dụ, theo nội dung công việc thực hiện, Hợp đồng xây dựng bao gồm: Hợp đồng tư vấn xây dựng, Hợp đồng thi công xây dựng công trình, Hợp đồng thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị, Hợp đồng chìa khóa trao tay,…

2. Các loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng điển hình

• Tranh chấp về thanh toán: Tranh chấp này thường xảy ra khi bên nhận thầu đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, nhưng bên giao thầu không thanh toán đầy đủ theo khối lượng đã thi công, gây chậm trễ thanh toán và thiệt hại cho nhà thầu.

• Tranh chấp về tiến độ thi công: Những chậm trễ trong tiến độ thi công có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân từ cả hai bên. Đối với bên nhận thầu, tiến độ có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết, thiên tai, thiếu hụt nhân lực, vật lực,… Trong khi đó, bên giao thầu có thể gặp khó khăn về vốn, chậm trễ phê duyệt công việc, chậm bàn giao mặt bằng, hoặc chậm trễ trong việc thống nhất thiết kế,…

• Tranh chấp về phạm vi công việc: Trong quá trình thi công, bên giao thầu có thể đưa ra các yêu cầu vượt quá phạm vi đã thỏa thuận hoặc tự ý thay đổi thiết kế mà không có sự thống nhất từ các bên, gây tranh chấp về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên.

• Tranh chấp do chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: Vì nhiều nguyên nhân như xung đột lợi ích, hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên,… mà một bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do vậy, các tranh chấp về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm,… có thể phát sinh.

• Tranh chấp về chất lượng công trình: Tranh chấp này có thể xảy ra khi một hoặc các bên phát hiện vấn đề về chất lượng trong quá trình nghiệm thu hoặc sau khi công trình đã bàn giao. Trong một số trường hợp, các tranh chấp về chất lượng phát sinh trong giai đoạn bảo hành hoặc khi do thông báo từ bên sử dụng.

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng

– Thương lượng: Đây là phương thức được ưu tiên áp dụng khi các bên có thiện chí thỏa thuận với nhau để giải quyết mà không có sự can thiệp của bên thứ ba. Tuy nhiên, phương thức này dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên nên không có tính ràng buộc trách nhiệm đối với các bên dù các bên đã có thỏa thuận.

– Hòa giải: Đây là phương thức có tính bảo mật cao, kết quả việc hòa giải mang tính tự quyết của các bên. Trong trường hợp hợp đồng có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại ban xử lý tranh chấp thì ban xử lý tranh chấp sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, với số lượng thành viên do các bên thống nhất. Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày nhận được kết luận hòa giải từ ban xử lý tranh chấp, nếu một trong các bên không đồng ý với kết luận này, bên đó có quyền phản đối và tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án. Nếu quá thời hạn trên mà không có bên nào phản đối, các bên được xem là đã chấp thuận kết luận hòa giải và phải thực hiện theo nội dung kết luận đó.

– Trọng tài: Nếu hợp đồng có điều khoản hoặc các bên có thỏa thuận riêng về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, phương thức này sẽ được áp dụng. Trọng tài giải quyết tranh chấp theo Luật Trọng tài thương mại 2010, và phán quyết trọng tài mang tính ràng buộc pháp lý và các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện công việc thi hành án.

– Giải quyết tranh chấp tại Tòa án: Trường hợp các bên thương lượng, hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, Tòa án tiến hành xét xử công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các bên.

Trên đây là bài viết “Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng” mà TNTP gửi đến độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, quý độc giả vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,