Trọng tài, tuy là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập với Tòa án, nhưng xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, ở một mức độ nhất định, Tòa án có thể hỗ trợ cho hoạt động trọng tài được diễn ra một cách hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong bài viết này, TNTP sẽ chỉ ra sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động tố tụng trọng tài
1. Sự hỗ trợ của Tòa án trước khi diễn ra hoạt động trọng tài
Cụ thể, theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010, nếu như Tòa án nhận được đơn khởi kiện, nhưng các quy định trong Hợp đồng thể hiện rằng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, Tòa án sẽ từ chối thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như thỏa thuận trọng tài vô hiệu, không thực hiện được; các tranh chấp cho phép lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp dù có điều khoản trọng tài như tranh chấp giữa người cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng,… Việc từ chối đơn khởi kiện khi có điều khoản trọng tài thể hiện sự tôn trọng của Tòa án trong việc tiến hành giải quyết thông qua trọng tài.
2. Sự hỗ trợ của Tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài
Trong suốt quá trình tiến hành tố tụng trọng tài, sự hỗ trợ của Tòa án có thể xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của hoạt động tố tụng trọng tài, cụ thể như sau:
2.1. Hỗ trợ thành lập hội đồng trọng tài vụ việc
• Căn cứ Điều 41 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp quá các thời hạn lựa chọn trọng tài viên hay chủ tịch hội đồng trọng tài mà một hoặc các bên chưa lựa chọn được trọng tài viên/chủ tịch hội đồng trọng tài, họ có thể yêu cầu Tòa án lựa chọn trọng tài/chủ tịch hội đồng trọng tài.
• Ngoài ra, Khoản 3 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho phép Toà án có thể quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên khi có yêu cầu của các bên hoặc trọng tài viên trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được việc thay đổi trọng tài viên hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp.
2.2. Giải quyết các khiếu nại liên quan đến thẩm quyền của trọng tài
• Trường hợp cho rằng trọng tài không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, một bên có quyền gửi Đơn khiếu nại để yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài liên quan đến việc xem xét thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
• Nếu Tòa án ra quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp tại Toà án nếu không có thỏa thuận khác.
2.3. Thu thập chứng cứ
• Trong trường hợp Hội đồng trọng tài hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp. Khi nhận được yêu cầu, Tòa án sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án.
• Khi nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ. Quá thời hạn quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án phải thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết, đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2.4. Triệu tập người làm chứng
• Nếu người làm chứng không đến phiên họp, không có lý do chính đáng dù đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ, và việc vắng mặt ảnh hưởng xấu đến hoạt động tố tụng trọng tài, thì theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài, Tòa án triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài.
• Tòa án khi nhận được yêu cầu sẽ ra quyết định triệu tập người làm chứng và gửi quyết định này cho Hội đồng trọng tài, người làm chứng đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
2.5. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời
• Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu một bên nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại hoặc đã bị tổn hại trên thực tế, họ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
• Một bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà một bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài đã áp dụng, ngoại trừ trường hợp yêu cầu không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
3. Sự hỗ trợ của trọng tài sau khi kết thúc tố tụng trọng tài
Khi các hoạt động tố tụng trọng tài đã kết thúc và Phán quyết trọng tài được ban hành, Tòa án vẫn có thể hỗ trợ các bên liên quan đến Phán quyết trọng tài với những hoạt động như sau:
3.1. Đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc
Theo Điều 62 Luật Trọng tài thương mại 2010, trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, bên yêu cầu phải đăng ký phán quyết tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết.
3.2. Hủy phán quyết trọng tài
Trường hợp một trong các bên nhận thấy Phán quyết trọng tài thuộc trường hợp có thể bị hủy, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đươc Phán quyết trọng tài, bên đó có quyền nộp đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài cho Tòa án có thẩm quyền. Khi nhận được đơn yêu cầu, Tòa án có thẩm quyền sẽ thành lập hội đồng xét đơn và tiến hành tổ chức phiên họp xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
3.3. Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài
• Căn cứ Điều 425 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, các phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc các Phán quyết của trọng tài nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
• Cần lưu ý rằng, theo quy định tại Điều 451 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ cần gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trong tài nước ngoài trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật.
Nhìn chung, Tòa án luôn hiện diện và hỗ trợ cho hoạt động trọng tài xuyên suốt tất cả các giai đoạn, từ khi bắt đầu hoạt động tố tụng trọng tài cho đến cả thời điểm sau khi đã có Phán quyết trọng tài.
Trên đây là bài viết “Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động trọng tài” mà TNTP gửi đến cho bạn đọc.
Trân trọng,