Trong thực tiễn kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, tranh chấp thương mại xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Với những ưu thế mà Trung tâm Trọng tài đem lại, các pháp nhân ngày càng có xu hướng lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ xảy ra không ít trường hợp tài sản liên quan đến vụ việc có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc chứng cứ do người thứ ba nắm giữ nhưng họ không thiện chí hợp tác với Trọng tài. Để đảm bảo lợi ích cho các bên, pháp luật đã quy định Trung tâm Trọng tài có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tùy thuộc vào trường hợp cụ thể xảy ra trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ hơn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Trung tâm Trọng tài có thể áp dụng để các bạn đọc hoặc các pháp nhân tham khảo.
1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Căn cứ Khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
(i) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
(ii) Cấm hoặc bắt buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
(iii) Kê biên tài sản đang tranh chấp;
(iv) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
(v) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
(vi) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Như vậy có thể thấy, các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Trung tâm trọng tài có thể áp dụng là tương đối đa dạng và có giá trị quan trọng trong việc bảo hiện trạng các tài sản hoặc buộc người có nghĩa vụ hoặc người liên quan không được tiến hành các hành vi cản trở, gây bất lợi đến quá trình tố tụng Trọng tài.
2. Thời điểm yêu cầu Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
• Theo Khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tức là thời điểm mà các bên yêu cầu Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập.
• Đối chiếu Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho thấy thời gian mà Hội đồng trọng tài được thành lập kể từ sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện là từ 01 tháng đến 02 tháng. Trong khoảng thời gian này, bên có nghĩa vụ có thể có hành vi tẩu tán tài sản. Để ngăn chặn hành vi này và đồng thời đảm bảo điều kiện thi hành án trong tương lai, việc yêu cầu Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là rất cấp thiết.
Như vậy, khi Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, một hoặc các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (thời điểm tố tụng trọng tài bắt đầu) để nhanh chóng ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của bên có nghĩa vụ để quá trình tố tụng trọng tài được thực hiện đảm bảo quyền lợi của bên yêu cầu.
3. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Để có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, , bên có yêu cầu phải thực hiện các thủ tục được quy định tại Điều 50 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể:
(i) Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài.
(ii) Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung sau:
• Ngày, tháng, năm làm đơn;
• Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Tóm tắt nội dung tranh chấp;
• Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
• Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
(iii) Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên có yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương đương với giá trị thiệt hại có thể xảy ra nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoăc giấy tờ có giá trên sẽ được gửi vào tìa khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
(iv) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã hoàn thành việc bảo đảm theo các quy định trên thì Hội đồng trọng tài sẽ xem xét trong việc đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.
Như vậy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của một hoặc các bên, Trung tâm trọng tài không thể tự tiến hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là khác biệt cơ so với áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự tại các tòa án, khi mà Tòa án có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp luật định.
Việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giúp các bên tranh chấp tạm thời bảo toàn tình trạng hiện có của chứng cứ, hạn chế hậu quả gây thiệt hại tới chứng cứ do hành vi của bên có nghĩa vụ gây ra. Trên đây là bài viết của TNTP về “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà trọng tài có thể áp dụng” mà chuyên gia chia sẻ tới các bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho độc giả.
Trân trọng,