Chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng là một trong những vấn đề gây ra nhiều tranh chấp giữa các bên tham gia dự án. Việc không dự đoán trước các khoản chi phí này hoặc không có sự thống nhất rõ ràng về việc thanh toán chúng có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Bài viết này, TNTP sẽ phân tích chi tiết các loại chi phí phát sinh, quy định pháp luật hiện hành, và các phương pháp giải quyết tranh chấp nhằm giúp các bên tham gia dự án xây dựng bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp lý.
1. Nguyên nhân dẫn đến các loại chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng
Trong quá trình thi công xây dựng, việc phát sinh thêm chi phí ngoài hợp đồng là điều thường thấy và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số lý do phổ biến dẫn đến các chi phí phát sinh có thể bao gồm:
• Phát sinh do yêu cầu thay đổi của chủ đầu tư: Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có thể yêu cầu thay đổi thiết kế hoặc bổ sung các hạng mục mới. Nếu các điều khoản liên quan đến chi phí phát sinh chưa được làm rõ trong hợp đồng, điều này có thể dẫn đến tranh chấp về việc ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí đó (Ví dụ khi chủ đầu tư yêu cầu thay đổi thiết kế, chi phí phát sinh có thể bao gồm mua vật liệu mới và kéo dài thời gian thi công). Các yêu cầu thay đổi không thuộc hợp đồng cũng gây ra chi phí bổ sung.
• Điều kiện thi công bất ngờ: Yếu tố môi trường hoặc địa hình không lường trước trong khảo sát ban đầu có thể làm phát sinh chi phí. Thay đổi quy định pháp luật cũng có thể yêu cầu điều chỉnh dự án, dẫn đến chi phí thêm.
• Dự toán chưa chính xác: Chi phí phát sinh có thể do các bên không tính toán chính xác khối lượng công việc lúc ký hợp đồng, thường là do thiếu thông tin hoặc điều kiện thi công thay đổi.
• Chi phí từ điều kiện khách quan: Các thiên tai như lũ lụt hay động đất có thể làm ngưng trệ thi công và phát sinh chi phí về thời gian và nhân lực. Đại dịch hoặc khan hiếm vật liệu cũng có thể làm tăng chi phí đáng kể.
• Phí phát sinh từ yêu cầu của cơ quan nhà nước: Đôi khi, các quy định của nhà nước thay đổi trong quá trình thực hiện dự án có thể yêu cầu bổ sung các hạng mục hoặc thay đổi phương án xây dựng, gây phát sinh chi phí mà không được dự liệu trong hợp đồng.
• Chi phí phát sinh do lỗi của nhà thầu
– Thi công sai quy trình: Trong quá trình thực hiện, nếu nhà thầu không tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật hoặc bản vẽ thiết kế, dẫn đến công trình không đạt yêu cầu, việc thi công lại sẽ kéo theo chi phí bổ sung.
– Chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu: Trường hợp nhà thầu chậm tiến độ thi công dẫn đến việc phải kéo dài thời gian thi công, chủ đầu tư có thể phải chịu thêm chi phí quản lý, hoặc chịu phạt do chậm bàn giao công trình, ảnh hưởng đến tổng chi phí dự án.
2. Cơ sở pháp lý về chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng
Tuy nhiên, không phải tất cả các chi phí phát sinh đều được dự đoán trước trong hợp đồng. Do đó, khi phát sinh chi phí ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng. Việc điều chỉnh hợp đồng dựa trên những tiêu chí sau:
• Quy định của pháp luật về phát sinh chi phí ngoài hợp đồng:
– Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, điều chỉnh chung đối với toàn bộ các hợp đồng xây dựng thì việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng liên quan đến khối lượng, tiến độ, đơn giá và các nội dung khác, dựa trên thỏa thuận của các bên và chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng.
– Riêng đối với các hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư công, dự án của nhà nước sẽ chịu sự điều chỉnh thêm từ Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Theo đó, trong trường hợp điều chỉnh khối lượng, các bên cần thỏa thuận cụ thể về điều chỉnh khối lượng, phạm vi và thủ tục. Việc điều chỉnh khối lượng công việc khác nhau giữa hợp đồng trọn gói và hợp đồng đơn giá. Với hợp đồng trọn gói, nếu có công việc phát sinh mà không vượt giá gói thầu phê duyệt, cần ký phụ lục; nếu vượt, cần có quyết định của người có thẩm quyền. Đối với hợp đồng đơn giá, các khối lượng chưa có đơn giá phải thống nhất trước khi thực hiện.
• Hợp đồng xây dựng: Hợp đồng xây dựng giữa các bên cần quy định chi tiết về trường hợp phát sinh chi phí ngoài hợp đồng và cách thức xử lý chúng.
– Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng: Trong trường hợp thay đổi khối lượng công việc, thay đổi điều kiện thi công, hoặc thay đổi yêu cầu từ phía chủ đầu tư, hợp đồng cần quy định cách thức tính toán và thanh toán các chi phí phát sinh.
– Trách nhiệm của các bên: Hợp đồng cần xác định rõ ràng bên nào sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh và các điều kiện cần thiết để xác nhận các khoản chi phí này là hợp lệ.
Theo Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về chi phí phát sinh, trách nhiệm thanh toán sẽ được xác định dựa trên nguyên tắc thỏa thuận lại hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có lỗi từ một bên.
Vậy trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận về chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng thì Nhà thầu cần làm gì? Theo quy định pháp luật, Nhà thầu có quyền từ chối thực hiện công việc phát sinh nếu không có sự đồng thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong thực tế, hoàn thành các công việc phát sinh thường là điều kiện tiên quyết để nhà thầu nhận được thanh toán và tiếp tục thực hiện các hạng mục khác. Khi chủ đầu tư không hợp tác trong việc đàm phán, nhiều nhà thầu đã phải chấp nhận tiếp tục công việc mà không thực thi quyền từ chối và kết quả là dẫn đến tranh chấp không mong muốn.
3. Cơ sở của việc giải quyết tranh chấp hiệu quả
Các bên cần Thu thập đầy đủ tài liệu và bằng chứng: Việc thu thập tài liệu và bằng chứng là rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
• Đầu tiên, hồ sơ hợp đồng là tài liệu cơ bản, giúp xác định các điều khoản đã thỏa thuận giữa hai bên.
• Tiếp theo, văn bản, tài liệu trao đổi giữa các bên sẽ cung cấp thông tin về những cuộc thảo luận và quyết định liên quan đến công việc, bao gồm các thay đổi phát sinh ngoài hợp đồng được các bên thống nhất. Các văn bản yêu cầu thay đổi sẽ là cơ sở cho việc xác định liệu các yêu cầu phát sinh có được chấp thuận hay không.
• Các thông tin chứng minh chi phí phát sinh như: hóa đơn mua vật liệu, hợp đồng phụ với Nhà thầu phụ. Việc lưu trữ đầy đủ các tài liệu này không chỉ giúp bên bị ảnh hưởng có cơ sở pháp lý vững chắc để yêu cầu bồi thường mà còn làm tăng khả năng đạt được kết quả thuận lợi trong tranh chấp.
Nắm rõ quyền và nghĩa vụ là yếu tố quan trọng trong việc hạn chế và giải quyết tranh chấp. Điều này giúp các bên xác định rõ các chi phí phát sinh mà họ có quyền yêu cầu thanh toán, đảm bảo rằng yêu cầu đó phù hợp với quy định pháp luật. Khi các bên đều nắm vững quyền lợi và nghĩa vụ của mình, khả năng xảy ra tranh chấp sẽ giảm đi, và trong trường hợp có tranh chấp, khả năng bảo vệ được quyền lợi sẽ nâng cao.
Sự hỗ trợ từ luật sư và chuyên gia pháp lý cũng rất quan trọng, giúp các bên tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ, và các quy định pháp luật liên quan, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.
Tranh chấp về chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng là một vấn đề phức tạp và thường xuyên xảy ra. Để giải quyết các tranh chấp này một cách hiệu quả, các bên cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan, thực hiện các biện pháp thương lượng, hòa giải, và trong trường hợp cần thiết, đưa vụ việc ra tòa án hoặc trọng tài. Điều quan trọng là cần xây dựng hợp đồng rõ ràng, chi tiết, và có sự thỏa thuận cụ thể về các trường hợp phát sinh chi phí ngay từ đầu để hạn chế các tranh chấp không đáng có trong quá trình thực hiện dự án.
Trên đây là bài viết “Tranh chấp về chi phí phát sinh ngoài hợp đồng xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng.