Trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động xây dựng nói riêng đều có khả năng phát sinh các khoản nợ. Tuy nhiên hoạt động thu hồi nợ trong lĩnh vực xây dựng có những đặc thù nào so với hoạt động thu hồi nợ trong các lĩnh vực khác? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ cung cấp cho bạn đọc quan điểm về những vấn đề cần lưu ý khi thu hồi nợ trong lĩnh vực xây dựng.
1. Đối tượng trong thu hồi nợ xây dựng
Trong lĩnh vực xây dựng, các khoản nợ phát sinh giữa các chủ thể gồm:
• Chủ đầu tư dự án
• Nhà thầu chính
• Các nhà thầu phụ
Cụ thể:
(i) Chủ đầu tư
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định Chủ đầu tư là: Cơ quan, tổ chức sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn, quản lý quá trình thực hiện dự án; đơn vị sử dụng ngân sách; đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm ngoài ngân sách nhà nước; đơn vị mua sắm tập trung.
Như vậy, Chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp bỏ vốn và quản lý việc sử dụng vốn trong quá trình thực hiện dự án xây dựng.
(ii) Nhà thầu chính
Căn cứ khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định Nhà thầu là: Tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu.
Như vậy, Nhà thầu chính là nhà thầu đứng tên dự thầu và trực tiếp ký hợp đồng thầu với Chủ đầu tư, chịu trách nhiệm với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng.
(iii) Nhà thầu phụ
Căn cứ khoản 27, Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định Nhà thầu phụ là: Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp.
Theo quy định trên có thể thấy Nhà thầu phụ là nhà thầu ký hợp đồng với Nhà thầu chính và thực hiện các công việc liên quan đến xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu tương ứng với phạm di hợp đồng đã ký kết.
Theo đó, Chủ đầu tư đối với một dự án xây dựng sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Nhà thầu chính. Trong quá trình xây dựng, Nhà thầu chính có thể ký kết các Hợp đồng với Nhà thầu phụ để thực hiện các công việc trong phạm vi dự án. Do đó, các khoản nợ phát sinh trong một dự án xây dựng thường phát sinh theo cặp giữa Chủ đầu tư – Nhà thầu chính; và Nhà thầu chính – Nhà Thầu phụ.
2. Thu hồi nợ xây dựng
a) Vấn đề nợ giữa Chủ đầu tư – Nhà thầu chính
Chủ đầu tư là bên giao thầu cho Nhà thầu chính nên sẽ có trách nhiệm thanh toán theo đúng hợp đồng cho Nhà thầu chính, tuy nhiên trường hợp Chủ đầu tư do không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm trả các dự án đã hoàn thành bàn giao chờ quyết toán hoặc nhằm mục đích chiếm dụng vốn nên đã không thanh toán đúng cam kết với Nhà thầu chính dẫn đến nợ xấu phát sinh.
b) Vấn đề nợ giữa Nhà thầu chính – Nhà Thầu phụ
Các nhà thầu phụ thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hạng mục của dự án theo hợp đồng thầu phụ với Nhà thầu chính. Theo đó, các khoản nợ phát sinh thường sẽ liên quan đến các phí thanh toán các hạng mục xây dựng, phí nguyên vật liệu, phí bảo trì công trình,…
3. Những vấn đề cần lưu ý khi thu hồi nợ trong lĩnh vực xây dựng
Vì đặc thù lĩnh vực xây dựng có thời gian thi công kéo dài nên có thể phát sinh nhiều biến động do thay đổi chính sách pháp luật, giá cả và nguồn vốn. Nên để thu hồi nợ hiệu quả, các doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
a) Yêu cầu đối chiếu công nợ định kỳ
Một trong những điều kiện để thu hồi nợ hiệu quả là phải xác định được chính xác khoản nợ cần thu hồi. Để đối chiếu công nợ, các bên có thể lập Văn bản đối chiếu công nợ, đây là một văn bản ghi nhận giá trị khoản nợ phát sinh từ hợp đồng giữa các bên, văn bản này sẽ được các bên ký và đóng dấu xác nhận với tư cách chủ thể của mình. Do đó, đây là tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán của bên nợ trong trường hợp doanh nghiệp yêu cầu bên nợ thanh toán. Trường hợp các bên không thể thương lượng và phải khởi kiện để giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền thì Văn bản đối chiếu công nợ sẽ là tài liệu quan trọng để chứng minh nghĩa vụ thanh toán của bên nợ, cũng như giá trị khoản nợ mà bên nợ phải trả cho doanh nghiệp.
b) Kiểm tra tài chính của bên nợ
Để xác định bên nợ có thể thanh toán được hay không thì doanh nghiệp phải biết bên nợ có khả năng tài chính như thế nào. Việc kiểm tra tài chính của bên nợ giúp doanh nghiệp xác định đâu là bên nợ có khả năng thanh toán để tập trung nguồn lực và tài chính của mình để thu hồi. Tránh việc lãng phí nguồn lực và tài chính để thu hồi các bên nợ không còn khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, việc kiểm tra tài chính của bên nợ không đơn giản do các thông tin về tài sản và lợi nhuận của một doanh nghiệp không được công bố công khai (Trừ các công ty niêm yết). Do đó, doanh nghiệp có thể trao đổi với các đối tác khác trong lĩnh vực của mình để biết về các hoạt động, dự án mà bên nợ đang tham gia nhằm xác định được khả năng tài chính của bên nợ.
c) Tuân thủ pháp luật
Doanh nghiệp cần lưu ý các quy định của pháp luật để thực hiện các công việc thu hồi nợ đúng pháp luật. Không ít trường hợp các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thu hồi nợ theo hình thức “xã hội đen” đã bị cấm theo quy định tại Luật đầu tư 2020 dẫn đến các trường hợp bị xử lý hình sự.
Tuy doanh nghiệp có quyền yêu cầu bên nợ thanh toán, nhưng việc yêu cầu này chỉ được phép thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp có thể thu hồi nợ bằng việc thương lượng, hoặc khởi kiện nếu quá trình thương lượng không có kết quả. Khi phải tiến hành khởi kiện, doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu các quy định pháp luật để đưa ra yêu cầu hợp lý và lựa chọn đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu khởi kiện của mình được chấp nhận.
Trường hợp doanh nghiệp chưa từng tiến hành việc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ của các công ty luật để nâng cao khả năng thu hồi công nợ và tiến hành các thủ tục tố tụng một cách hiệu quả nhất.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Những vấn đề cần lưu ý khi thu hồi nợ trong lĩnh vực xây dựng là gì?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,