Bên mua có khả năng vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và có thể dẫn đến hai tranh chấp chủ yếu do bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán và bên mua vi phạm nghĩa vụ nhận hàng. Tranh chấp liên quan đến việc bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán có thể xem là tranh chấp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa. Tranh chấp này thường phát sinh do bên mua chậm thanh toán, không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ tiền hàng. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày về hai loại tranh chấp này và các giải pháp để phòng ngừa, hạn chế vi phạm nghĩa vụ của bên mua.
1. Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán
Bên bán nên quy định những nội dung sau trong hợp đồng mua bán hàng hóa để giảm thiểu, hạn chế tổn thất và tranh chấp phát sinh:
- Tiến độ thanh toán
Thay vì quy định bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hàng hóa sau khi đã nhận đủ hàng, bên bán có thể quy định việc bên mua phải thanh toán toàn bộ giá trị hàng hóa trước khi nhận hàng.
Trường hợp bên mua không đồng ý việc thanh toán trước toàn bộ giá trị hàng hóa, bên bán có thể quy định các đợt thanh toán. Theo đó, bên mua phải thanh toán trước một phần giá trị hàng hóa, phần còn lại phải thanh toán trong thời hạn do bên bán quy định kể từ ngày bên bán gửi cho bên mua bộ hồ sơ đề nghị thanh toán hoặc kể từ ngày các bên ký kết Biên bản giao nhận hàng hóa. Bên bán cần đặc biệt lưu ý về thời hạn thanh toán và quy định cụ thể nội dung này trong hợp đồng.
- Tạm ngừng giao hàng
Bên bán có thể quy định trong hợp đồng nội dung như sau: Trường hợp bên mua vi phạm bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào, bên bán có quyền tạm ngừng giao hàng cho đến thời điểm bên mua hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thanh toán. Việc bên bán tạm ngừng giao hàng có thể coi là biện pháp tạo sức ép buộc bên mua phải thanh toán tiền hàng. Ngoài ra, điều khoản này còn có giá trị trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa hai bên, khi bên mua cho rằng bên bán vi phạm thời hạn giao hàng còn bên bán cho rằng do bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên bên bán có quyền tạm ngừng giao hàng cho bên mua.
- Đối chiếu công nợ
Trường hợp các bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa đơn lẻ, việc đối chiếu công nợ không quá cần thiết. Tuy nhiên, trường hợp các bên ký kết hợp đồng nguyên tắc và thực hiện nhiều đơn đặt hàng, việc ký kết Biên bản đối chiếu công nợ là thực sự cần thiết.
Biên bản đối chiếu công nợ được xem là căn cứ để bên mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, trường hợp các giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án, Biên bản đối chiếu công nợ được xem là chứng cứ quan trọng thể hiện việc bên mua đã thừa nhận nghĩa vụ thanh toán cho bên bán. Khi thực hiện ký kết Biên bản đối chiếu công nợ, các bên cũng cần quy định thẩm quyền ký kết Biên bản đối chiếu công nợ.
- Các chế tài khác
Bên bán có thể quy định trong hợp đồng rằng bên bán có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy lại hàng hóa và yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại, thanh toán tiền phạt vi phạm và chịu lãi chậm thanh toán. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền hàng trong trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua theo quy định của pháp luật hoặc theo quy định tại hợp đồng.
Đối với điều khoản phạt vi phạm, các bên cần thỏa thuận rõ ràng về mức phạt vi phạm, thời điểm bên mua phải thanh toán tiền phạt vi phạm cho bên bán. Về mức phạt vi phạm, đối với hợp đồng dân sự thông thường thì pháp luật quy định mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận còn đối với hợp đồng thương mại thì mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Đối với điều khoản lãi chậm thanh toán, Điều 306 Luật Thương mại 2005 và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP không quy định về mức tối đa của lãi suất chậm thanh toán. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi suất lớn hơn 20%/năm, khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Tòa án có thể chỉ chấp nhận mức lãi suất là 20%/năm hoặc sẽ xác định lại lãi luất theo quy định tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP là mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 ngân hàng thương mại có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán.
Do vậy, bên bán chỉ nên quy định mức lãi suất chậm thanh toán tối đa là 20%/năm đối với giá trị mà bên mua chậm thanh toán.
2. Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ nhận hàng
Nghĩa vụ nhận hàng được quy định tại Điều 56 Luật Thương mại 2005, theo đó khi nhận hàng, bên mua phải thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng bao gồm hỗ trợ bên bán về thủ tục giao hàng, hướng dẫn phương thức vận chuyển, cùng bên bán bốc dỡ hàng hóa,… Trường hợp bên bán đã giao hàng theo đúng hợp đồng mà bên mua không nhận hàng thì bị coi là vi phạm hợp đồng và phải chịu các chế tài theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về các trách nhiệm của bên mua khi vi phạm nghĩa vụ như bên mua phải thanh toán các chi phí mà bên bán đã bỏ ra để lưu giữ hàng hóa; bên bán có quyền bán hàng hóa cho bên thứ ba và bên mua phải thanh toán giá trị chênh lệch của hàng hóa nếu giá bán hàng hóa cho bên thứ ba thấp hơn giá bán hàng hóa cho bên mua; bên mua phải chịu phạt vi phạm trong trường hợp không nhận hàng;…
Trên đây là bài viết “Tranh chấp do bên mua vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa” mà TNTP gửi đến độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,