Hợp đồng tương lai là một công cụ tài chính phái sinh phức tạp, và việc giao kết các hợp đồng này không chỉ liên quan đến rủi ro thị trường mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Hiểu rõ các rủi ro pháp lý có thể giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Dưới đây là những rủi ro pháp lý chính liên quan đến việc giao kết hợp đồng tương lai.
1. Định nghĩa về hợp đồng tương lai
• Hợp đồng tương lai đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Nhưng tại Việt Nam chúng ta hay thấy nhất là trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là trong thị trường chứng khoán. Theo khoản 12 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch.
• Theo đó, có thể hiểu rằng hợp đồng tương lai là thỏa thuận mà trong đó người bán cam kết giao một số hàng hóa hay chứng khoán và người mua sẽ trả tiền khi nhận với một giá nhất định trong tương lai được xác định trước tại thời điểm kí kết hợp đồng. Thông thường, để tránh các thiệt hại khi hợp đồng không được tôn trọng cả hai bên đều được yêu cầu kí quỹ vào lúc kí hợp đồng.
• Các sản phẩm thường được giao kết trong đồng tương lai:
– Hợp đồng tương lai hàng hóa cơ bản: Hàng hóa cơ bản ở đây bao gồm các loại nông sản, kim loại và năng lượng,…
– Hợp đồng tương lai tiền tệ.
– Hợp đồng tương lai lãi suất và trái phiếu.
– Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.
– Hợp đồng tương lai cổ phiếu.
2. Những rủi ro pháp lý khi giao kết hợp đồng tương lai
Mặc dù hợp đồng tương lai được xem như là phương án giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư cũng như doanh nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế việc giao kết hợp đồng tương lai vẫn tiềm tàng những rủi ro về pháp lý sau:
a. Thay đổi trong pháp luật và quy định
Pháp luật về hợp đồng tương lai và các công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Các quy định pháp luật về giao dịch hàng hóa thường xuyên thay đổi để phản ánh những biến động của thị trường và chính sách kinh tế. điều này cũng có thể ảnh hưởng đến những chủ thể khi tham gia vào quan hệ hợp đồng.
• Đối với các mặt hàng truyền thống, chính phủ có thể điều chỉnh các quy định pháp luật về như: quy định về xuất nhập khẩu và tiêu chuẩn hàng hóa,…nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước hoặc duy trì sự ổn định về giá cả. Ví dụ, việc tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng truyền thống có thể tác động đáng kể đến các hợp đồng tương lai đã được ký kết.
Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Khi đó, việc đã ký kết hợp đồng tương lai có thể khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro về chi phí gia tăng, hàng hóa không đủ điều kiện xuất, nhập khẩu,…dẫn đến việc không thể thực hiện những cam kết trong hợp đồng đã ký kết trước đó.
• Đối với thị trường chứng khoán, quy định pháp lý và chính sách về thị trường chứng khoán và hợp đồng tương lai có thể thay đổi, ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Những thay đổi này có thể bao gồm điều chỉnh về tỷ lệ ký quỹ, quy định về giao dịch, hoặc thay đổi về thuế. Việc thay đổi điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ để kiểm soát rủi ro có thể tăng chi phí và yêu cầu về vốn cho nhà đầu tư.
b. Rủi ro về thực hiện hợp đồng
Rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro lớn khi giao kết hợp đồng tương lai. Rủi ro tín dụng phát sinh khi một bên trong hợp đồng không thể thực hiện nghĩa vụ của mình.
• Đối với thị trường hàng hóa truyền thống, phía nhà sản xuất có thể đối mặt với nhiều khó khăn tài chính do biến động giá cả, chi phí sản xuất tăng cao, hoặc quản lý tài chính kém. Nếu bên cung cấp không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, duy trì hoặc gặp khó khăn trong việc vay vốn, họ có thể không thể cung cấp hàng hóa theo hợp đồng đã ký.
Hợp đồng tương lai có thể liên quan đến quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một tài sản trong tương lai. Nếu quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của tài sản này bị tranh chấp hoặc không rõ ràng, có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng. Việc kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của tài sản cơ bản trước khi giao kết hợp đồng là rất quan trọng.
• Ngoài ra, với hợp đồng tương lai, giao dịch được xác định thực hiện tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Tuy nhiên, nếu người mua hoặc nhà cung cấp trong quá trình kinh doanh gặp khó khăn về tài chính dẫn đến việc tuyên bố phá sản thì họ sẽ không thể hoàn tất nghĩa vụ cho bên còn lại theo thỏa thuận. Khi đó, việc thu hồi số tiền đã ký quỹ hoặc lợi nhuận từ hợp đồng tương lai có thể gặp khó khăn, gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng.
Việc giao kết hợp đồng tương lai tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ lưỡng. Để giảm thiểu các rủi ro này, cần phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo các điều khoản hợp đồng rõ ràng và chi tiết, kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của tài sản cơ bản, và chuẩn bị các biện pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bằng cách làm như vậy, các bên tham gia có thể bảo vệ quyền lợi của mình và giảm thiểu các rủi ro pháp lý trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng tương lai.
Trên đây là bài viết “Rủi ro khi giao kết hợp đồng tương lai” mà TNTP gửi đến Quý bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.
Trân trọng,