Trong hoạt động kinh doanh, hai thuật ngữ “giải thể” và “phá sản” thường xuyên được nhắc đến như những phương án cuối cùng cho các doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục hoạt động. Mặc dù cả hai đều dẫn đến việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, nhưng giữa chúng tồn tại những điểm khác biệt rõ ràng cần được phân biệt. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa giải thể và phá sản là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan. Trong bài viết này, TNTP sẽ giúp đọc giả phân biệt giải thể doanh nghiệp và phá sản.
1. Khái niệm
• Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp một cách tự nguyện hoặc bị bắt buộc, theo quyết định của chủ doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giải thể thường xảy ra khi doanh nghiệp không muốn hoặc không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh vì lý do kinh tế, pháp lý, hoặc cá nhân.
• Phá sản là tình trạng khi một doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và phải chịu sự can thiệp của tòa án để tiến hành thủ tục phá sản. Bên cạnh đó khái niệm về mất khả năng thanh toán cũng được quy định rất rõ tại khoản 1, Điều 4 của luật Phá sản 2014 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của mình trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
2. Cơ sở pháp lý
• Giải thể doanh nghiệp: căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
• Phá sản: căn cứ theo Luật phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Nguyên nhân và điều kiện bắt buộc
• Căn cứ Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định có 02 hình thức giải thể là, giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc do cơ quan nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, để thực hiện giải thể, doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, và không đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
• Trong khi đó, phá sản được thực hiện khi doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng thanh toán đúng hạn cho các công nợ và không thể khắc phục được năng lực thanh toán trong một thời gian dài cũng như không thể nhanh chóng hoặc đầy đủ bồi thường các thiệt hại gây ra cho chủ nợ hoặc những người có quyền yêu cầu thanh toán nợ.
Việc thanh toán các khoản nợ chỉ thực hiện khi đã mở thủ tục phá sản và thanh toán theo thứ tự luật định, không bắt buộc phải trả hết nợ nếu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không còn đủ để thanh toán.
4. Người có quyền yêu cầu và chủ thể ra quyết định
• Đối với các trường hợp giải thể tự nguyện thì chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc giải thể doanh nghiệp. Đối với các trường hợp giải thể bắt buộc, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể doanh nghiệp trên cơ sở quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền hay quyết định của Toà án. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền đồng ý hay phản đối việc giải thể mà chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ giải thể.
Trong trường hợp giải thể, những người có quyền nộp đơn yêu cầu giải thể bao gồm: Chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần, hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
• Đối với phá sản, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định tuyên bố phá sản và tham gia vào toàn bộ quá trình giải quyết.
Tuy nhiên về quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản rộng hơn, không chỉ thuộc về chủ doanh nghiệp và còn bao gồm nhiều bên liên quan như: chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, người lao động, công đoàn, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, cổ đông hoặc nhóm cổ đô-ng sở hữu số cổ phần phổ thông tối thiểu, và thành viên hợp tác xã.
5. Thứ tự thanh toán tài sản
• Đối với trường hợp giải thể doanh nghiệp thứ tự thanh toán tài sản như sau: (1) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và Hợp đồng lao động đã ký kết; (2) Nợ thuế và (3) Các khoản nợ khác.
Sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, khoản tiền hoặc tài sản còn lại sẽ chia cho chủ doanh nghiệp, các thành viên góp vốn, cổ đông theo tỉ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.
• Đối với trường hợp giải thể doanh nghiệp thứ tự thanh toán tài sản như sau: (1) Chi phí phá sản; (2) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; (3) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; (4) Nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ, khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán khoản nợ.
Sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, khoản tiền hoặc tài sản còn lại sẽ chia cho chủ doanh nghiệp, các thành viên góp vốn, cổ đông theo tỉ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.
6. Hậu quả pháp lý
• Hậu quả pháp lý của phá sản và giải thể đối với doanh nghiệp đều sẽ là mất tư cách pháp nhân và chấm dứt hoạt động.
• Tuy nhiên, đối với người người quản lý, điều hành doanh nghiệp sẽ có những khác biệt sau:
– Cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản (trừ trường hợp phá sản vì lý do bất khả kháng).
– Chủ doanh nghiệp sau khi giải thể có thể thành lập ngay một doanh nghiệp mới; vẫn có thể tiếp tục làm người quản lý tại doanh nghiệp mới.
Giải thể doanh nghiệp và phá sản đều là những biện pháp để chấm dứt hoạt động kinh doanh, nhưng với nguyên nhân, quy trình và hậu quả pháp lý khác nhau. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này giúp các bên liên quan có thể đưa ra những quyết định chính xác và phù hợp nhất trong từng tình huống cụ thể. Trước khi quyết định giải thể hay phá sản, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật liên quan và tìm kiếm sự tư vấn từ các luật sư, chuyên gia pháp lý để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Phân biệt giải thể doanh nghiệp và phá sản”, hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các độc giả.
Trân trọng,