Thu hồi nợ của doanh nghiệp là hoạt động đòi hỏi sự phối hợp, liên kết giữa các bộ phận, phòng ban khác nhau của công ty để có thể đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, bộ phận pháp chế thường đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động thu hồi công nợ vì sự am hiểu pháp luật và khả năng tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp để giải quyết khoản nợ. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những phân tích về vai trò của bộ phận pháp chế trong kiểm soát và thu hồi công nợ doanh nghiệp.
1. Tổng quan về bộ phận pháp chế doanh nghiệp
Pháp chế doanh nghiệp là bộ phận có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật tại doanh nghiệp. Pháp chế có vai trò tư vấn cho các lãnh đạo của doanh nghiệp cũng như các bộ phận khác tiến hành các hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra pháp chế cũng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ như rà soát các hợp đồng, văn bản nội bộ để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như sự tuân thủ pháp luật, tham gia làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tham gia hoạt động tố tụng liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ phận pháp chế là thu hồi các khoản nợ phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp. Sử dụng các kỹ năng cần thiết và sự hiểu biết pháp luật, pháp chế doanh nghiệp sẽ tiến hành các biện pháp từ thương lượng, yêu cầu thanh toán đến khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để thu hồi khoản nợ.
2. Vai trò của bộ phận pháp chế trong kiểm soát và thu hồi công nợ doanh nghiệp
a) Tham gia quá trình quản lý công nợ
Pháp chế doanh nghiệp là bộ phận sử dụng kiến thức pháp lý và kỹ năng để tư vấn phương án giải quyết công nợ, đồng thời cũng tham gia vào quá trình quản lý công nợ của doanh nghiệp. Việc quản lý công nợ bao gồm những công việc cụ thể sau:
(i) Xây dựng quy trình để quản lý khách hàng, phòng ngừa và lên phương án chuẩn bị để giải quyết trong trường hợp đối với các khách hàng có thể trở thành những bên nợ tiềm năng.
(ii) Yêu cầu những khách hàng có nợ xác nhận khoản nợ, ký những tài liệu cần thiết để chuẩn bị cho trường hợp phát sinh nợ xấu.
(iii) Tư vấn cho các bộ phận khác trong việc lập tiêu chí để theo dõi công nợ, phân loại bên nợ để xác định các biện pháp thu hồi nợ phù hợp khi cần thiết.
Như vậy có thể thấy, việc quản lý công nợ của pháp chế nhằm mục đích hạn chế các khoản nợ có thể phát sinh và chuẩn bị cho các công việc thu hồi nợ nếu việc phát sinh khoản nợ gây ảnh hưởng đến dòng chảy tài chính của doanh nghiệp.
b) Tiến hành các công việc thu hồi nợ
Trường hợp cần triển khai hoạt động thu hồi nợ, bộ phận pháp chế thường là bên trực tiếp tiến hành các công việc cần thiết. Các công việc thu hồi nợ bao gồm:
(i) Thương lượng: Pháp chế sẽ sử dụng các kỹ năng nghề nghiệp để trao đổi với bên nợ nhằm mục đích thuyết phục bên nợ thanh toán. Để việc thương lượng thành công thì pháp chế cần kiên nhẫn thuyết phục, đưa ra lý do hợp lý và cân đối về lợi ích để bên nợ tự nguyện thanh toán. Đây thường là giai đoạn đầu tiên của việc thu hồi nợ mà bộ phận pháp chế thực hiện.
(ii) Yêu cầu thanh toán: Sau khi việc thương lượng không đạt kết quả thì pháp chế có thể tiến hành yêu cầu thanh toán. Khi đó không còn sự thuyết phục nhẹ nhàng mà là yêu cầu bên nợ phải thanh toán khoản nợ trong một thời hạn nhất định, yêu cầu bên nợ đưa ra một lộ trình thanh toán hợp lý. Kèm theo các yêu cầu là áp lực về việc sẽ tiến hành khởi kiện hoặc các biện pháp khác để buộc bên nợ phải thanh toán. Việc yêu cầu thanh toán có thể thực hiện thông qua gửi email, gửi thư hoặc trực tiếp gặp và trao đổi với bên nợ.
(iii) Khởi kiện thu hồi nợ: Đây là biện pháp pháp lý nhằm đề nghị các cơ quan giải quyết tranh chấp buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ theo thủ tục tố tụng. Khi đó bộ phận pháp chế sẽ chuẩn bị các tài liệu cần thiết để nộp kèm theo Đơn khởi kiện, trực tiếp tham gia các giai đoạn khởi kiện để yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chấp nhận Đơn khởi kiện của doanh nghiệp. Kết thúc của công việc này là khi Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ban hành Bản án/Quyết Định hoặc Phán quyết có hiệu lực để thi hành án.
Để đảm bảo quá trình thu hồi nợ hiệu quả thì bộ phận pháp chế phải đảm bảo sự am hiểu, tuân thủ đúng quy định của pháp luật để tiến hành các biện pháp cần thiết đúng lúc, đúng thủ tục và cũng phải đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Vai trò của bộ phận pháp chế trong kiểm soát và thu hồi công nợ doanh nghiệp”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,