Việc các đối tác chậm thanh toán, thanh toán không đúng hạn là điều các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải trong hoạt động kinh doanh. Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những quan điểm về những điều doanh nghiệp cần làm khi đối tác chậm thanh toán.
1. Thương lượng, yêu cầu bên nợ thanh toán
Khi một đối tác của doanh nghiệp không thanh toán khoản nợ đúng hạn, doanh nghiệp cần phải tác động để đối tác này biết để thực hiện việc thanh toán. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên liên hệ với đối tác để đưa ra đề nghị thanh toán, cũng như trao đổi về việc đối tác có thể sắp xếp thời hạn thanh toán ra sao nhằm thống nhất phương án thanh toán phù hợp nhất đảm bảo quyền lợi của các bên.
Các công việc trong quá trình thương lượng rất đa dạng, từ việc gọi điện thoại, gặp trực tiếp hoặc gửi văn bản yêu cầu với bên nợ chậm thanh toán. Các công việc trên có thể được triển khai nhiều lần hoặc định kỳ theo tuần hoặc tháng tùy theo giá trị khoản nợ, cũng như mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác để đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Việc thương lượng, yêu cầu thanh toán còn nhằm mục đích thăm dò thái độ thiện chí thanh toán của bên nợ, bên nợ có thái độ không hợp tác, tiếp tục chây ỳ hoặc không phản hồi về việc trả nợ thì doanh nghiệp nên cân nhắc tiến hành việc khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình.
2. Khởi kiện thu hồi nợ
Việc khởi kiện được thực hiện ngay khi doanh nghiệp xác định được bên nợ vẫn có khả năng thanh toán, còn tài sản nhưng không thiện chí trả nợ. Để thực hiện việc khởi kiện, doanh nghiệp cần nộp đơn khởi kiện đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu các cơ quan này buộc đối tác chậm thanh toán phải thanh toán khoản nợ theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào nội dung của Hợp đồng/thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đối tác, nếu nội dung của Hợp đồng/thỏa thuận có quy định về việc lựa chọn Trọng tài thương mại giải quyết thì doanh nghiệp phải nộp Đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài thương mại có thẩm quyền. Ngược lại, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng/thỏa thuận thì doanh nghiệp sẽ nộp Đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.
Sau khi xem xét đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ doanh nghiệp đã nộp, các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể xem xét ban hành Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết có hiệu lực pháp luật. Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết này có thể được cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành, khi đó cơ quan thi hành án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm buộc đối tác phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán , cũng như các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
3. Yêu cầu mở thủ tục phá sản
Đây là một biện pháp tương tự với việc khởi kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, khác biệt cơ bản là đối tác có thể bị tuyên bố phá sản và mọi tài sản của đối tác có thể bị kê biên, thanh lý để thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đối với doanh nghiệp.
Tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định về người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Theo đó, trường hợp đối tác không hợp tác thanh toán khi hết hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn thì doanh nghiệp là chủ nợ hoàn toàn có thể nộp đơn đến tòa án có thẩm quyền xem xét để tiến hành thủ tục nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với đối tác này. Sau khi tòa án chấp nhận và ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán và Quản tài viên phụ trách vụ việc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để quản lý, thanh lý tài sản và phân chia tài sản còn lại của đối tác cho doanh nghiệp cũng như các nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện như nghĩa vụ thuế, nợ lương, bảo hiểm xã hội hoặc các nghĩa vụ tài chính khác với cơ quan nhà nước.
Từ những nội dung trên, có thể thấy doanh nghiệp có nhiều lựa chọn để giải quyết các khoản nợ với đối tác, tùy thuộc vào mục đích và khả năng thực hiện mà doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trên đây là quan điểm của luật sư TNTP về chủ đề: “Doanh nghiệp cần làm gì nếu đối tác chậm thanh toán”. Mong rằng bài viết này đem lại lợi ích cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng