Các bên có thể vay tiền để thực hiện nhiều mục đích khác nhau như duy trì cuộc sống hàng ngày. hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đầu tư. Để thực hiện việc vay tiền, các bên thường ký kết hợp đồng vay tiền. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng thực hiện đúng các quy định tại hợp đồng và việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định tại hợp đồng sẽ làm phát sinh tranh chấp giữa bên cho vay và bên vay. Trong bài viết sau đây, hãy cùng TNTP tìm hiểu về những tranh chấp có thể phát sinh từ hợp đồng vay tiền.
1. Tranh chấp do các bên không giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc hợp đồng không thể hiện đầy đủ nội dung cần thiết
Về tin tưởng bên vay mà các bên có thể không giao kết hợp đồng vay tiền bằng văn bản. Điều này là yếu tố rất bất lợi đối với bên cho vay khi phát sinh tranh chấp, bởi nếu bên vay tiền không thừa nhận việc vay tiền thì bên cho vay có nghĩa vụ chứng minh việc cho vay, các nội dung liên quan đến khoản vay như số tiền cho vay, thời hạn vay, lãi suất,… Ngoài ra, trên thực tế, cũng vì lòng tin mà các bên thường ký kết hợp đồng vay tiền viết tay và hợp đồng này không có đầy đủ nội dung cần thiết. Do không thỏa thuận rõ nội dung của hợp đồng vay tiền, nên khi phát sinh tranh chấp, quyền lợi của bên cho vay thường không được đảm bảo. Do vậy, để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình, bên cho vay nên cân nhắc soạn thảo hợp đồng vay tiền với đầy đủ nội dung cần thiết như số tiền cho vay, thời hạn vay, lãi suất, nghĩa vụ của bên vay,…
2. Tranh chấp do không có chứng từ giao nhận tiền
Trong một số trường hợp, khi giao nhận tiền cho vay, các bên không ký kết Biên bản giao nhận tiền. Trường hợp bên cho vay sử dụng phương thức chuyển khoản ngân hàng, nội dung chuyển khoản ghi rõ “để cho vay” thì dù không ký kết Biên bản giao nhận tiền thì bên cho vay vẫn có chứng cứ để chứng minh việc giao nhận tiền. Chứng cứ này có thể là biên lai chuyển tiền, sao kê tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đối với trường hợp giao nhận tiền mặt thì bên cho vay sẽ khó chứng minh việc giao nhận tiền nếu các bên không ký kết Biên bản giao nhận tiền.
Trong trường hợp tranh chấp được đưa ra xét xử tại cơ quan tài phán, nếu bên vay thừa nhận đã nhận tiền thì bên cho vay không phải chứng minh việc giao nhận tiền. Trường hợp bên vay không thừa nhận việc đã nhận được tiền thì bên cho vay có nghĩa vụ chứng minh về việc đã giao tiền. Nếu bên cho vay không cung cấp được chứng cứ để chứng minh thì cơ quan tài phán không có căn cứ để buộc bên vay trả tiền. Do vậy, để hạn chế tranh chấp này, các bên nên thỏa thuận trong hợp đồng về thời điểm giao nhận tiền, ký kết biên bản giao nhận tiền và nên thực hiện việc chuyển tiền thông qua ngân hàng.
3. Tranh chấp do bên vay chậm trả nợ
Thông thường, trong hợp đồng vay, các bên sẽ thỏa thuận rõ ràng về số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, …và bên vay cam kết phải trả các khoản vay đúng thời hạn đã thỏa thuận. Tuy nhiên trên thực tế, các tranh chấp do bên vay vi phạm nghĩa vụ trả tiền như trả tiền không đúng thời hạn, trả không đủ khoản vay,… diễn ra khá phổ biến.
Để hạn chế rủi ro này, khi thực hiện việc cho vay, các bên nên kiểm tra tình trạng tài chính của bên vay, xác định bên vay có phải là đối tác đáng tin cậy để cho vay không. Đặc biệt, bên cho vay nên yêu cầu bên vay sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay. Bên cho vay nên quy định trong hợp đồng vay tiền về việc xử lý tài sản bảo đảm khi bên vay không thực hiện việc thanh toán như bên cho vay toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm.
4. Tranh chấp về lãi suất cho vay
Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi và cũng để tạo cơ sở pháp lý trong việc giải quyết các tranh chấp về lãi suất, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Thực tế, việc cho vay với lãi suất cao là tình trạng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, căn cứ quy định pháp luật nêu trên, trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi suất vượt quá quy định pháp luật, thỏa thuận về mức lãi suất đó có thể bị vô hiệu và mức lãi suất sẽ được điều chỉnh lại để phù hợp với quy định pháp luật.
5. Tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm khoản vay
Hiện nay, việc cầm cố giấy tờ về nhà đất, các tài sản có giá trị khác hoặc thế chấp tài sản để vay tiền được thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, bên vay có thể không phải là chủ sở hữu hoặc không có quyền định đoạt đối với tài sản được cầm cố hoặc thế chấp nhưng vẫn cố tình che giấu và ký kết các thỏa thuận với bên cho vay. Khi đó, mặc dù hai bên đã ký kết hợp đồng vay tiền có tài sản bảo đảm nhưng bên cho vay khó có thể xử lý các tài sản này. Để hạn chế tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, khi xác lập hợp đồng vay, bên cho vay cần xem xét, thẩm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
6. Tranh chấp liên quan đến hình thức giả tạo của hợp đồng vay
Trên thực tế, các bên có thể thực hiện giao dịch vay tài sản nhưng không ký kết hợp đồng vay tài sản mà lại ký hợp đồng mua bán, đặt cọc tài sản và chủ yếu là hợp đồng mua bán nhà; hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Với các trường hợp này, bên cho vay sẽ giữ tài sản/giấy tờ của bên vay, khi đến hạn trả nợ, nếu bên vay không trả tiền và thanh toán lãi suất thì bên cho vay sẽ tiến hành thủ tục mua bán, đặt cọc tài sản.
Trong trường hợp này, nếu bên vay khởi kiện tại Tòa án thì khó có thể đòi được quyền lợi của mình vì hình thức của hợp đồng không phải là hợp đồng vay tài sản, lãi suất, hạn trả nợ không được quy định trong hợp đồng. Mặt khác, bên cho vay sẽ căn cứ vào hợp đồng mua bán hay đặt cọc tài để buộc bên vay tiền phải thực hiện hợp đồng. Để hạn chế tranh chấp này, các bên không nên ký kết và xác lập hợp đồng mang tính chất giả tạo.
Trên đây là nội dung bài viết “Những tranh chấp phổ biến phát sinh từ hợp đồng vay tiền” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Hi vọng bài viết nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.
Trân trọng,