Hợp đồng gửi giữ tài sản là một loại hợp đồng được sử dụng rất nhiều trong các giao dịch dân sự, khi đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng. Để đảm bảo bảo quyền lợi của các bên cũng như hạn chế tranh chấp, khi soạn thảo hợp đồng gửi giữ tài sản, các bên cần soạn thảo các nội dung cơ bản như sau:
1. Thông tin của các bên tham gia hợp đồng
Các bên cần nêu rõ thông tin về bên gửi tài sản và bên giữ tài sản. Cá nhân cần nêu rõ thông tin như họ tên, căn cước công dân, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mail,… Pháp nhân cần có tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế, người ký hợp đồng (người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền),… Khi ký hợp đồng, các bên cần lưu ý về thẩm quyền ký kết hợp đồng của các bên, tránh trường hợp người ký hợp đồng không có thẩm quyền ký kết hợp đồng.
2. Tài sản được gửi giữ và các thông tin liên quan
Hợp đồng cần nêu rõ tên, số lượng, giá trị, trạng thái của tài sản được gửi và các thông tin liên quan đến việc bảo quản tài sản như phương tiện vận chuyển, vị trí lưu trữ.
3. Thời hạn hợp đồng
Hợp đồng gửi giữ tài sản cần có thời hạn rõ ràng, xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc thỏa thuận.
4. Tiền công
Theo quy định của pháp luật, bên gửi có thể có hoặc không phải thanh toán tiền công cho bên nhận gửi giữ. Điều này sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên. Vì vậy, hợp đồng gửi giữ tài sản cần thỏa thuận rõ về tiền công, thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.
5. Trách nhiệm bảo quản tài sản
Về bản chất, hợp đồng gửi giữ tài sản sẽ có sự chuyển giao tài sản đồng thời chuyển quyền chiếm hữu tài sản từ bên gửi sang cho bên giữ. Vì vậy, bên giữ có nghĩa vụ phải bảo quản tài sản, trông giữ tài sản trong thời hạn do các bên thỏa thuận.
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Hợp đồng cần quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của bên gửi và bên giữ tài sản. Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo có thể tham khảo các nội dung về quyền và nghĩa vụ của từng bên như sau:
(i) Quyền của bên gửi tài sản: (a) Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý (các bên nên thỏa thuận rõ ràng về khoảng thời gian được cho là thời gian hợp lý); và (b) yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, đặc biệt là trách nhiệm của bên giữ trong trường hợp tài sản bị hư hỏng, thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.
(ii) Nghĩa vụ của bên gửi tài sản: (a) Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu trách nhiệm; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; (b) Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.
(iii) Quyền của bên giữ tài sản: (a) Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận; (b) Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công; (c) Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn (các bên nên thỏa thuận rõ ràng về khoảng thời gian được cho là thời gian hợp lý); (d) Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
(iv) Nghĩa vụ của bên giữ tài sản: (a) Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; (b) Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; (c) Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn nhất định (các bên nên thỏa thuận rõ ràng về thời hạn); nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; (d) Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ và trách nhiệm của bên giữ trong trường hợp tài sản bị hư hỏng, thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.
7. Thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng cần nêu rõ điều kiện và quy trình để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc khi đủ điều kiện để chấm dứt hợp đồng.
Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm trong hợp đồng về điều khoản phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; giải quyết tranh chấp; trách nhiệm của các bên khi chậm giao, nhận tài sản,… Có thể thấy rằng, đối với những tài sản có giá trị lớn, khi soạn thảo hợp đồng gửi giữ tài sản, các bên cần thỏa thuận cụ thể các nội dung trong hợp đồng, tránh việc chỉ quy định chung chung hoặc không xác lập hợp đồng, bởi điều này có thể dẫn đến tranh chấp nếu tài sản gửi giữ bị hư hỏng, thiệt hại, mất mát trong quá trình gửi giữ,…
Trên đây là nội dung bài viết “Kỹ năng soạn thảo hợp đồng gửi giữ tài sản” của luật sư TNTP. Hi vọng những chia sẻ nêu trên hữu ích đối với các độc giả.
Trân trọng,